Thứ Bảy, 28/12/2024
Quàng Trị: Thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

 Mở đường lên vùng cao

Trong những năm qua, Nhà nước, các tổ chức quốc tế đã đầu tư thực hiện nhiều chương trình, dự án với nguồn kinh phí lên tới hàng trăm tỉ đồng như Chương trình 134, 135; các dự án về nước sạch, điện thắp sáng, xây dựng công trình giao thông, giáo dục, y tế…đã mang lại những đổi thay rõ rệt; tiềm năng lợi thế của các địa phương được khơi dậy, phát huy, một số nơi người dân đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Cùng với phát triển kinh tế thì việc phát triển văn hóa, giáo dục, y tế cũng mang lại nhiều đổi thay. Dân trí được nâng lên, việc chăm lo sức khỏe người dân từng bước được cải thiện, vệ sinh môi trường, nhiều bệnh tật, phong tục tập quán lạc hậu được đẩy lùi.

Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2016, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỉ đồng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ 39,5 tỉ đồng, bao gồm hỗ trợ phát triển sản xuất 8,3 tỉ đồng; đầu tư xây dựng mới và duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng hơn 30 tỉ đồng. Để người dân có cuộc sống ổn định, thời gian qua các địa phương cũng đã triển khai 13 dự án định canh định cư, trong đó 8 dự án đã hoàn thành, ổn định đời sống cho 442 hộ dân. Đầu năm 2016 tiếp tục phân bổ 35,8 tỉ đồng cho công tác định canh, định cư. Ngoài ra còn thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã khó khăn trong năm 2016 là 16,8 tỉ đồng, trong đó huyện Hướng Hóa được hỗ trợ 8,8 tỉ đồng; Đakrông 4,5 tỉ đồng; Vĩnh Linh 1,3 tỉ đồng; Gio Linh 1,6 tỉ đồng; Cam Lộ 500 triệu đồng. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng góp phần vào việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, qua việc thực hiện cho vay ưu đãi để phát triển sản xuất đối với 2.499 hộ dân tộc thiểu số, với nguồn kinh phí 74,9 tỉ đồng; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/CP đối với huyện Đakrông trong năm 2016 là 38,2 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân vốn sự nghiệp đầu tư phát triển 11,9 tỉ đồng. Bên cạnh đó Nhà nước cũng đầu tư vùng biên giới của tỉnh trong năm 2016 là 1,6 tỉ đồng. Theo báo cáo của ngành chức năng, trong 6 tháng đầu năm có 28 người được hỗ trợ xuất khẩu lao động, 1.066 lao động được giải quyết việc làm và 152 lao động được đào tạo nghề. Về thực hiện chính sách xã hội có 62.815 thẻ bảo hiểm y tế được cấp miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số… 

Nhờ thực hiện nhiều chương trình, dự án với các chính sách ưu tiên, ưu đãi, đến nay bức tranh kinh tế- xã hội miền núi của tỉnh Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc. Việc đi lại giữa các khu vực, vùng miền thông suốt, ô tô đã đến 100% trung tâm của các xã miền núi. Hàng hóa do người dân miền núi sản xuất được vận chuyển đến nơi tiêu thụ thuận lợi càng tăng thêm giá trị sản phẩm. Bà con không chỉ làm ra các sản phẩm truyền thống như lúa, khoai, bắp, đậu mà còn nhiều sản phẩm xuất khẩu như hạt tiêu, cà phê, cao su, sắn cao sản. Về văn hóa giáo dục, đến nay 100% xã miền núi đã có trường mầm non, tiểu học, trạm y tế, trạm truyền thanh; 75% xã có trường trung học cơ sở, 20 trường đạt chuẩn quốc gia; 90% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 23 thôn, bản được hỗ trợ các sản phẩm văn hóa và thiết bị vui chơi cho trẻ em. Tỉ lệ học sinh và các cháu trong độ tuổi đến trường ở bậc mầm non đạt 98%, bậc tiểu học 96%. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền vận động và thực hiện nhiều chính sách hiệu quả khác đến nay hầu hết đồng bào đã định canh, định cư, ổn định cuộc sống, hầu như không còn tình trạng thiếu đói. Các phong trào văn nghệ, TDTT và các lễ hội truyền thống được duy trì, tổ chức đều đặn, thu hút nhiều người tham gia. An ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

Những thành tích đạt được ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy vậy ở khu vực này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là một số công trình được đầu tư với kinh phí khá lớn như hồ đập thủy lợi, nước sinh hoạt chưa phát huy hiệu quả, một số công trình gây lãng phí. Một số địa phương người dân vẫn thiếu đất sản xuất do nhiều diện tích đất rừng đã bàn giao cho các đơn vị như lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều sinh viên cử tuyển ra trường chưa có việc làm, ở một số nơi tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao… Đó là những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới. 

Nguồn: baoquangtri.vn, 28/9/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi