Chủ Nhật, 24/11/2024
Lai Châu: Làm tốt công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Một buổi tuyên truyền, vận động của cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) tới Nhân dân vùng biên giới

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, diện tích rộng, dân cư phân bố không tập trung, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 87% dân số toàn tỉnh, phân bố ở tất cả các địa bàn dân cư nhưng tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nhất là ở các huyện biên giới: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Phong Thổ. Theo đồng chí Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy: các huyện biên giới có 17 dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống với tổng số dân trên 20 vạn người, chiếm trên 58% tổng số dân tộc thiểu số toàn tỉnh và chiếm 92% tổng dân số của 4 huyện. Trong đó, có hai dân tộc rất ít người chỉ có ở Lai Châu (La Hủ, Mảng) và 5 dân tộc đặc biệt khó khăn (Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Khơ Mú); cư trú xen ghép, phân bố chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, trong đó có 52/75 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh (chiếm 69%).

Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới luôn tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn, an ninh, trật tự tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào khá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, song hiện nay một số lễ hội truyền thống, văn hóa dân gian đang bị mai một. Tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội chậm được xóa bỏ; một số đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những hủ tục trong cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ...  Bên cạnh đó, Nhân dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; năng lực, hiệu quả sản xuất còn thấp, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều thì huyện Phong Thổ chiếm tới 45,83% và 16,86%; huyện Sìn Hồ: 55,04% và 15,56%; huyện Nậm Nhùn: 50,79% và 9,09%; huyện Mường Tè: 70,56% và 5,61%...

Trước những khó khăn trên, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh ta quan tâm chú trọng. Trong phát triển văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp quan tâm triển khai thực hiện, thông qua việc khôi phục các lễ hội; vận động bà con truyền dạy các bài hát, hiệu múa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ; chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, coi trọng việc giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam. Xây dựng mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; vận động đồng bào ở thôn, bản, khu dân cư phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước xá bỏ các tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động “Gia đình văn hóa” được triển khai sâu rộng trong vùng đồng bào và đạt nhiều kết quả tích cực. Hằng năm duy trì và tổ chức tốt Ngày hội văn hoá các dân tộc với nội dung và hình thức phong phú, thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia, qua đó nhân lên các điển hình tiên tiến và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tập trung triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân nâng cao nhận thức, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Lực lượng biên phòng phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của dân cư biên giới trong việc quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia. Tổ chức và vận động đồng bào tham gia phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới...

Chị Tẩn Thị Tuyết - bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ cho biết: Chúng tôi thường xuyên được cán bộ Dân vận, lãnh đạo chính quyền, chiến sỹ bộ đội tuyên truyền các biện pháp đấu tranh phòng chồng tội phạm, đặc biệt trong sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa. Bà con các dân tộc ở xã giờ đã thay đổi tập quán canh tác, biết đưa cây, con giống mới vào sản xuất. Đặc biệt, phối hợp với lực lượng biên phòng đấu tranh tố giác tội phạm. Nhân dân yên tâm, tích cực lao động sản xuất, đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới, các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện biên giới cũng cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân. Nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận trong phát triển nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng; giữ gìn văn hóa truyền thống, xóa bỏ tập tục lạc hậu; bảo vệ an ninh, trật tự trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ tập tục lạc hậubảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền biên giới quốc gia, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước, từng bước xây dựng vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển vững mạnh. 

Nguồn: baolaichau.vn, 23/9/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất