Chủ Nhật, 24/11/2024
Phát huy vai trò già làng trên tuyến biên giới Quảng Trị

 Già làng Pả Hiền, bản 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa (thứ nhất từ trái sang) tuyên truyền nhân dân bảo vệ vành đai biên giới

Thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xuất phát từ tình hình thực tiễn khu vực biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các Đồn Biên phòng tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, các cơ quan, ban, ngành, các xã biên giới triển khai thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực, hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động phát huy vai trò già làng, người uy tín trong nhân dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, các già làng thực sự là trung tâm đoàn kết và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trên địa bàn.

Từ nhiều năm nay, các già làng trên tuyến biên giới Quảng Trị đã tự nguyện sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn, tham gia những đợt tuần tra biên giới để cùng chung tay, góp sức bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. 

Các già làng cũng là những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các Hiệp định, Quy chế biên giới Việt- Lào đến với nhân dân. Họ là những người có những đóng góp quan trọng xây đắp tình hữu nghị láng giềng, gắn bó chặt chẽ với các bản làng của nước bạn Lào ở phía đối diện, góp phần ổn định, củng cố quốc phòng an ninh tuyến biên giới Việt - Lào. 

Cùng với Bộ đội Biên phòng, các già làng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới. Từ đó, nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân trong việc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng bản làng bình yên, no ấm được nâng lên. Vì vậy, phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm”, “Kết nghĩa bản- bản hai bên biên giới” đã có sức lan tỏa sâu rộng và trở thành hành động tự giác tích cực của mọi người dân trên biên giới. 

Thông qua các hoạt động, các già làng là nhân tố tích cực tuyên truyền, giải thích để bà con dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tự nguyện tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chung tay thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Các già làng đã phối hợp các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn và các ban, ngành, đoàn thể quản lý, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật tại các thôn, bản trở thành người tốt. Bằng uy tín của mình, 5 năm qua các già làng đã phối hợp với các đoàn thể cơ sở cảm hóa thành công 95 người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các già làng còn tham gia giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong các thôn bản; vận động bà con đoàn kết, phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp; xoá bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan và thực hiện nếp sống văn minh. 

Trong 5 năm qua các già làng, người uy tín đã cùng phối hợp chính quyền, lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền 327 buổi sinh hoạt chính trị để nâng cao nhận thức cho người dân về an ninh biên giới, an ninh nội địa. Qua đó, nhân dân trong vùng đã cung cấp cho lực lượng Bộ đội Biên phòng 586 nguồn tin, trong đó có trên 50% nguồn tin có giá trị liên quan đến tội phạm ma túy, chất nổ, buôn bán người qua biên giới. 

Già làng là những người giữ vai trò đầu tàu, gương mẫu trong phong trào thi đua lao động sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh việc thực hiện cải tạo đất trống, đồi trọc để tăng diện tích cây trồng và tăng thu nhập, các già làng vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và áp dụng các giống mới trong trồng trọt cho năng suất cao. Nhiều già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số đã áp dụng thành công các mô hình kinh tế vườn- ao- chuồng - rừng với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như Hồ Liếp, Hồ Xanh ở xã Hướng Phùng; Hồ Lua ở xã A Dơi; Hồ Hiền, Hồ Chia ở xã Thuận, Hồ Ray ở xã Xy của huyện Hướng Hóa. Thành công trong việc triển khai các mô hình kinh tế của các già làng không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của bà con dân tộc thiểu số tại địa phương. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn xóa bỏ thói quen canh tác lạc hậu như phát- đốt- cốt- trỉa; áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng các loại cây cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các già làng giúp đỡ được nhiều hộ nghèo tại địa phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách hỗ trợ giống, kỹ thuật. 

Với những cống hiến công sức và tâm huyết của mình, các già làng đã được bà con dòng họ, dân bản suy tôn và quý trọng; trở thành những người dẫn dắt dân bản vững bước vượt qua đói nghèo, lạc hậu, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. 

Nguồn: baoquangtri.vn, 18/9/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất