Chủ Nhật, 24/11/2024
Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số ngày càng nâng lên

 Trong thời gian qua, hệ thống giáo dục và chất lượng giáo dục ở vùng DTTS không ngừng được nâng cao.

Theo thông tin từ Ủy ban Dân tộc (UBDT), trong thời gian vừa qua, công tác giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, công tác giáo dục vùng dân tộc đã có bước phát triển vững chắc về mọi mặt. Đặc biệt là mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục vùng DTTS đã được củng cố và phát triển".

Ông Xuyên cho biết thêm, tính đến thời điểm này, có thể khẳng định hầu hết các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, các vùng biên giới đã có trường, lớp mầm non, tiểu học, các xã đã có trường trung học cơ sở, các huyện có trường trung học phổ thông. Nhiều trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường dự bị đại học dân tộc cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người DTTS cho các DTTS và vùng núi. Đặc biệt, các trường đại học vùng như Đại học Thái Nguyên, Đại học Tây Bắc, Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ, Học viện Dân tộc là những "lá cờ đầu" thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi.

Theo số liệu báo cáo của Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục được củng cố về quy mô và chất lượng đào tạo. Hiện nay, trường phổ thông dân tộc nội trú đã được thành lập ở 50 tỉnh, thành phố với 314 trường, bao gồm 3 trường thực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 51 trường cấp tỉnh, 260 trường cấp huyện (tăng 3 trường so với năm 2015). Năm học 2015-2016, tổng số học sinh dân tộc nội trú toàn quốc là 91.193 em, tăng 2.964 em so với năm học 2014-2015. Học sinh DTTS trong các trường phổ thông DTTS chiếm khoảng 8% số học sinh DTTS cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông của cả nước. Đặc biệt, tất cả các DTTS đều đã có con em theo học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Ở một khía cạnh khác, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Những năm gần đây, số lượng học sinh giỏi, thi đỗ và được tuyển thẳng vào đại học hoặc đạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế là con em DTTS đều tăng mỗi năm. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng đối với chất lượng giáo dục vùng DTTS và việc phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi trong tương lai".

Được biết, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2015-2016, đã có 102 em học sinh DTTS đạt giải, trong đó có 1 em đạt giải nhất, 16 em đạt giải nhì,  44 em đạt giải ba và 41 em đạt giải khuyến khích. Trong đó, nhiều em đạt giải cao trong các môn như tiếng Trung, Ngữ văn, Lịch sử, Vật lý, Hóa học... Có 39 em đạt từ 27 điểm trở lên trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016.

Theo ông Lê Như Xuyên, kết quả trên là "quả ngọt" từ cả một quá trình triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng DTTS. Ông cho biết thêm, thời gian qua, các cơ sở giáo dục vùng DTTS đã tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với học sinh DTTS. Theo đó, đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục vùng DTTS đã chịu khó tìm tòi, học tiếng dân tộc, tích cực hướng dẫn học sinh học tập, rèn luyện; đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh DTTS, đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù. Chính những hoạt động kể trên đã góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu, lối nghĩ, nếp sống cho học sinh DTTS.

Ở một góc độ khác, ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT cho rằng, thực trạng dân trí còn thấp đang trở thành rào cản rất lớn trong việc nâng cao năng suất lao động, thu hẹp cơ hội chuyển đổi hoặc tìm kiếm việc làm ở vùng DTTS. Về mặt xã hội, nguồn nhân lực với trình độ thấp sẽ kéo theo tình trạng nghèo đói, bệnh tật và tiềm ẩn các nguy cơ về tệ nạn xã hội. Vì vậy, Phó Chủ nhiệm UBDT cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ để thay đổi điều kiện sống của người dân vùng DTTS, miền núi thì tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo chính là giải pháp đột phá then chốt, bền vững để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS, để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.

Được biết, với vai trò là cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước trong việc thực hiện, xây dựng, hoạch định chính sách dân tộc, công tác dân tộc, trong những năm qua, UBDT đã nghiên cứu tham mưu, đề xuất nhiều chính sách, giải pháp phù hợp để vùng miền núi, dân tộc phát triển bền vững, trong đó có chính sách về đào tạo nguồn nhân lực. UBDT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các chính sách hiện hành nhằm tập trung nguồn lực cho công tác phát triển nguồn nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, trong đó có học sinh, sinh viên. UBDT cũng đã phối hợp với ngành giáo dục thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo chuyên biệt cho học sinh DTTS. Phát triển hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề gắn với quy hoạch phát triển nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động của các địa phương. Rà soát, kiến nghị sửa đổi những bất cập trong chính sách cử tuyển, dự bị đại học nhằm đáp ứng được số lượng và chất lượng đào tạo đa ngành nghề cho nhu cầu của các địa phương vùng DTTS.

Nguồn: baobienphong.com.vn, 31/10/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất