Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát Giao thông (PC67) Công an tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 221 vụ tai nạn giao thông, làm chết 246 người, bị thương 163 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao với 103 vụ (tăng 9,7% so với năm 2015), làm chết 100 người. Tình trạng người dân tộc thiểu số sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật như: xe không có đèn, phanh, gương chiếu hậu vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật của người dân tộc thiểu số hiện vẫn còn rất hạn chế. Thói quen đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, uống rượu say, không có giấy phép lái xe, không mang đăng ký xe và bảo hiểm xe, đi không đúng làn đường quy định, lạng lách đánh võng… còn thường xuyên diễn ra.
|
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tỉnh Gia Lai kiểm tra nồng độ cồn một người điều khiển xe máy |
Mới đây, vào lúc 16 giờ ngày 29-1, tại Km 1641+700 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn huyện Chư Pưh đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số làm 1 người chết và 2 người bị thương mà nguyên nhân là do sự thiếu ý thức trong chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. Vào thời điểm trên, Siu Boái (SN 1987, trú tại làng Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) điều khiển xe mô tô BKS 81S1-020.59 chở theo sau Ksor H’Mat (SN 2008) và Ksor Nhung (SN 2001) lưu thông theo hướng Gia Lai-Đak Lak do không làm chủ tốc độ đã va quệt vào phía sau xe bán tải BKS 81C-987.79 đi cùng chiều, sau đó tiếp tục va chạm với xe ô tô BKS 47A-088.97 lưu thông ngược chiều. Hậu quả, Ksor Nhung chết tại chỗ, Siu Boái và Ksor H’Mat bị thương. Ngoài vụ việc trên, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 20 vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số.
Trước thực trạng trên, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền được đơn giản hóa, gần gũi, dễ hiểu hơn với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bằng cả hai thứ tiếng Việt-Jrai, Việt-Bahnar. Hình thức ngày một đa dạng hơn, từ các phương tiện truyền thông đến pa nô hình ảnh, xe loa tuyên truyền… Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh duy trì tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tập trung vào nhóm đối tượng và nội dung cụ thể.
Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai: “Thời
gian tới, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh và đổi
mới các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua phương tiện thông tin
đại chúng, tuyên truyền bằng khẩu hiệu, bằng việc xây dựng các pa nô, áp phích,
tranh ảnh… Ngoài ra, Công an tỉnh sẽ tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức
các buổi hội thảo, tọa đàm, chuyên đề để nghiên cứu, trao đổi tìm ra nguyên
nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, từ đó đưa ra các
giải pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn
tỉnh và các tuyến đường trọng điểm...”.
Ngoài ra, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn, Công an tỉnh đã lên kế hoạch đề xuất các cấp lãnh đạo và chính quyền các địa phương xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cấp xã có năng lực chuyên môn, kiến thức pháp lý, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, đảm bảo nắm rõ các nội dung cơ bản của pháp luật và có khả năng truyền đạt; tiếp tục đổi mới, lựa chọn hình thức, nội dung và biện pháp tuyên truyền phù hợp với đối tượng tham gia giao thông là đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò tích cực của các chức sắc tôn giáo, già làng, người có uy tín trong cộng đồng./.
Nguồn: baogialai.com.vn, ngày 6/2/2017