Thứ Sáu, 27/12/2024
Quảng Nam huy động các nguồn lực phát triển miền núi

Tiêu hương là một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao
cho người dân huyện Phú Ninh, Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi với 102 xã, thị trấn, trong đó có 96 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho chương trình này tại các xã vùng dân tộc thiểu số là hơn 331 tỷ đồng. Các nguồn vốn này tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi… 

Từ đó, tại các huyện miền núi đã hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như trồng cây keo, trồng cây bời lời đỏ, cao su, chuối mốc, trồng các loại cây dược liệu, chăn nuôi lợn bản địa, lợn rừng. Nhiều địa phương như Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My đã phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu quý như ba kích tím, đảng sâm, sâm Ngọc Linh, sa nhân với tổng diện tích lên tới 452 ha.

Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam giảm trung bình hằng năm 5,1%. Đến nay, 96 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt bình quân gần 9 tiêu chí/xã, tăng 7,9 tiêu chí/xã so với năm 2010. Công tác đào tạo nghề ở các huyện miền núi của tỉnh cũng có nhiều đổi mới, linh hoạt phù hợp với trình độ của người dân cũng như nhu cầu của thị trường. 

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam hiện có 8 cơ sở đào tạo nghề, số lao động người dân tộc thiểu số được tuyển sinh học nghề và hỗ trợ học nghề trong năm 2016 là gần 2.000 người. Hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam phối hợp với các huyện miền núi đưa hàng chục lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. 

Đối với chương trình 135, trên cơ sở nguồn kinh phí Trung ương phân bổ hơn 112,5 tỷ đồng trong năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã triển khai 209 công trình xây dựng hạ tầng, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi cho hơn 8.000 hộ. Ngoài ra, các hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương miền xuôi với miền núi cũng được triển khai hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, tổng giá trị hỗ trợ từ các sở, ban, ngành, các huyện đồng bằng đối với các địa phương khu vực miền núi đạt hơn 26,7 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển giáo dục đào tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa ở khu vực miền núi trong tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. Đến nay, 100% số xã miền núi của tỉnh có trạm y tế; chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được nâng cao.

Nguồn: baotintuc.vn, ngày 8/2/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi