Thứ Năm, 26/12/2024
Vượt qua "rào cản" để thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số

Nhận diện những “rào cản”

Là một trong 38 quốc gia có thành tích nổi bật trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, trong năm 2014, Việt Nam đã hoàn thành 90% Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo và nằm trong nhóm 18 quốc gia được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trao Bằng khen về xóa đói, giảm nghèo và chứng nhận việc sớm đạt được các Mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vùng đồng bào DTTS vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, thách thức.


 Nhiều gia đình người DTTS đã biết tự lực vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống

Tiến sĩ Hà Việt Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc cho rằng: “Sau nhiều năm, với nhiều nỗ lực, Việt Nam đạt được tỷ lệ giảm nghèo cao, được coi là “điểm sáng” của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, chi phí giảm nghèo đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước. Nói một cách dễ hiểu là những đối tượng dễ giảm nghèo nhất chúng ta đã giải quyết từ những giai đoạn trước, còn lại những hộ vẫn còn nghèo đến giai đoạn này thực sự là vấn đề khó giải quyết, cần sự đầu tư của Nhà nước và theo một tư duy mới”.

Ông Quân cho biết thêm: “Rào cản” trong công tác giảm nghèo vùng DTTS là sự bất bình đẳng gia tăng ở vùng DTTS, đặc biệt là vấn đề bất bình đẳng về thông tin. Hiện nay, đồng bào DTTS đang thiếu nhất thông tin trong lĩnh vực “sân chơi thị trường”. Trong khi cả nước đang sôi sục với “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” về công nghệ thông tin, thì đồng bào DTTS dường như vẫn đang “loay hoay” với nhu cầu thông tin về giá cả thị trường, giá phân bón, đầu ra sản phẩm... Người dân khu vực này đang thiếu đi các kênh thông tin, từ đó dẫn đến tình trạng thua thiệt trong việc giải bài toán kinh tế.

Tiến sĩ Hà Việt Quân lấy dẫn chứng: “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, trong các chuỗi giá trị sản phẩm, nếu đồng bào DTTS làm ra 100 đồng lợi nhuận, họ chỉ hưởng 8 đồng, 92 đồng còn lại rơi vào các kênh, các chuỗi giá trị khác nhau chứ không rơi trực tiếp vào người bỏ công, bỏ sức làm ra sản phẩm”.

Góc nhìn mới về giảm nghèo vùng DTTS

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, đồng bào DTTS nước ta hiện nay có khoảng 13,6 triệu người. Trong đó, số lượng nghèo đói chiếm 21%, nghĩa là trong 10 người DTTS, chỉ có 2 người là thuộc diện nghèo. Về thông tin này, Tiến sĩ Hà Việt Quân chia sẻ, hiện nay, gần như toàn bộ chính sách dân tộc chỉ tập trung đến đối tượng là “2 người nghèo” mà quên mất “8 người không nghèo còn lại”, dẫn đến hệ thống thiếu toàn diện. Có thể nói, chúng ta đang thiếu các chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này.

Tiến sĩ Quân phân tích: “Trước đây, chính vì chúng ta quá quan tâm đến đối tượng là nhóm thiểu số “2 người nghèo” nên dẫn đến việc hoạch định chính sách chỉ xoay quanh cấp phát, cho không. Thực tế, điều này chỉ có ít nhiều hiệu quả từ những giai đoạn trước, còn hiện nay, những chính sách cấp phát, cho không chỉ có thể giải quyết được vấn đề trước mắt, thiếu sự bền vững, đặc biệt là không tạo ra giá trị gia tăng, từ đó không giúp đồng bào tự giải quyết vấn đề của chính mình mà vô tình lại làm đồng bào DTTS nảy sinh tâm lý ỷ lại vào chính sách”. 

Trong khi đó, theo ông Quân, con số “8 người còn lại” chính là những người biết giải quyết vấn đề của mình, không cam chịu nghèo đói thì dường như lại chưa được đánh giá đúng vị trí. Ông chia sẻ: Tôi từng tham gia, khảo sát hơn 200 buổi họp cộng đồng. Tại đó, hầu như những người giàu họ không tham gia. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn chỉ nghe được ý kiến của những người nghèo, chứ chưa biết được những nguyện vọng, tâm tư, câu chuyện thoát nghèo, mô hình làm ăn của những người không nghèo trên cùng địa bàn, có chung điều kiện phát triển kinh tế”.

Tiến sĩ Quân ví dụ trường hợp của chị Tẩn Thị Su (sinh năm 1986) là người DTTS lọt vào nhóm ba CEO nữ tuổi trẻ được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn  là một trong 30 nhân vật dưới 30 tuổi nổi bật của Việt Nam năm 2016. Từ cô bé bán hàng rong cho khách du lịch tại Sa Pa (Lào Cai), chị Su đã trở thành bà chủ của chuỗi địa chỉ du lịch ở Sa Pa, thu nhập vài tỷ đồng một năm, tạo việc làm ổn định cho 2 bản dân cư trong vùng.

Ông Quân ví von, “nếu vùng DTTS có được nhiều người dân có tư duy phát triển và làm giàu, thì chính lớp người này sẽ như những “đầu tàu khỏe” có thể kéo được nhiều toa tàu. Thay vì chúng ta đầu tư rất nhiều tiền của, công sức để cố gắng đẩy những “toa tàu” cuối nặng với chi phí rất cao, thì chúng ta có những đầu tư hợp lý, cần thiết về mặt chính sách hỗ trợ những “đầu tàu” ở vùng DTTS, để họ có thể kéo cộng đồng của mình đi lên”.

Tiến sĩ Quân phân tích thêm, trong giai đoạn này, chúng ta nên tập trung vào vấn đề giảm nghèo, vì thực tế, khi giải quyết vấn đề phát triển sẽ tạo ra các giá trị gia tăng, từ đó sẽ tác động lên mọi mặt kinh tế-xã hội ở vùng DTTS và có tác động trực tiếp đến vấn đề giảm nghèo. Nói nôm na, chúng ta nên có một cái nhìn toàn diện, thấu đáo và cân nhắc “xoay trục” tập trung đầu tư  hỗ trợ cho “8 người không nghèo” và “2 người nghèo” còn lại, chúng ta sẽ giải quyết bằng các chính sách an sinh xã hội.

Nguồn: cema.gov.vn, 18/6/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi