Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang khá cao, nhưng nhờ thực hiện tốt chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số mà đến nay hộ nghèo giảm, hộ khá, giàu tăng.
|
Nhờ được hỗ trợ vốn để chuộc lại đất mà gia đình ông Danh Hưởng có của ăn, của để |
Ông Nguyễn Sử Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, cho biết, những năm qua, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer luôn được xã quan tâm thực hiện. Theo đó, ngoài tranh thủ tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn phát triển sản xuất, xã còn vận động bà con nhân rộng một số mô hình làm ăn hiệu quả phù hợp với địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương còn thành lập một số tổ, nhóm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình cũng như phân công các ban, ngành, đoàn thể xã chịu trách nhiệm giúp đỡ hộ Khmer nghèo ổn định cuộc sống, cố gắng vươn lên làm giàu chính đáng.
“Từ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời đã giúp cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc không ngừng nâng lên. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trên 20% thì hiện nay giảm còn khoảng 13%. Hầu hết hộ Khmer trong xã đều sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh”, ông Luận dẫn chứng.
Mặt khác, xã Vị Thủy đã tập trung vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và đất đai, thỗ nhưỡng tại địa phương; tổ chức tham quan một số mô hình hay, hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, thoát nghèo trong và ngoài địa bàn xã như mô hình nuôi ba ba, trồng nấm rơm, hoa màu…
Trước đây, do đông con cộng với nhiều năm liền làm ăn thua lỗ, nên gia đình ông Danh Hưởng, ở ấp 6 đã cố 5 công đất ruộng. Vào năm 2013, nhờ thụ hưởng chương trình chuộc đất sản xuất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ mà gia đình ông Hưởng được hỗ trợ 30 triệu đồng để chuộc lại 1 công đất.
Có đất sản xuất, gia đình ông Hưởng chí thú làm ăn cùng với việc chăm chỉ làm thuê và chắt chiu trong chi tiêu hàng ngày mà đến nay ông đã chuộc hết số đất còn lại. Đáng nói là ông vừa xây lại ngôi nhà mới trị giá gần 200 triệu đồng.
Ông Hưởng cho hay: “Trước đây gia đình không có đất sản xuất, cuộc sống chủ yếu dựa vào số tiền kiếm được từ việc làm thuê nên gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, nhờ được Nhà nước hỗ trợ vốn để chuộc lại đất mà gia đình tôi mới có của ăn, của để như ngày hôm nay”.
Còn bà Lý Thị Thủy, ở ấp 6, cảm thấy an tâm hơn khi nhiều năm qua, gia đình có nước hợp vệ sinh để xài từ việc khoan cây nước. Bởi trước đây, mọi sinh hoạt hàng ngày của gia đình đều xài nước dưới kênh Đường Đào. Vào năm 2014, nhờ được Nhà nước hỗ trợ 800.000 đồng để khoan cây nước mà từ đó đến nay, gia đình bà không còn phải lo ngứa, nổi mẩn đỏ mỗi khi tắm, giặt.
Bà Thủy vui vẻ nói: “Bây giờ dù mưa hay nắng, gia đình tôi chẳng phải lo không có nước hợp vệ sinh để xài. Chuyện tắm, giặt cũng thoải mái hơn trước rất nhiều”.
Ông Nguyễn Sử Luận thông tin thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng các chương trình, dự án để tập trung hỗ trợ cũng như tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng thời tiến hành nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo, giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng nâng cao”.
Thời gian qua, xã Vị Thủy đã tận dụng chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ cho gần 30 hộ chuộc lại đất sản xuất; trên 200 hộ có nguồn nước sạch và nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt hàng ngày; trên 100 hộ xây nhà,… với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng.
|
Nguồn: baohaugiang.com.vn, 20/7/2018