Thứ Hai, 23/12/2024
Xây dựng nếp sống mới trong đồng bào dân tộc Mông

Huyện Than Uyên có 22 thôn, bản (thuộc 8 xã) có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trong đó xã Phúc Than có 6 bản với 474 nhân khẩu (chiếm 24,8% dân số toàn xã). Trong những năm qua, mặc dù Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích lực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bài trừ các hủ tục lạc hậu song đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện nói chung, xã Phúc Than nói riêng còn nhiều khó khăn.

Trong các bản còn duy trì nhiều thủ tục lạc hậu như: Thách cưới cao, tổ chức hiếu hỉ tốn kém; nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh nhiều con còn xảy ra nhiều… là những hủ tục đeo bám, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Công tác tuyên giáo huyện đã xây dựng nội dung cam kết xây dựng nếp sống văn hóa mới và đề xuất với Huyện ủy cho thực hiện thí điểm tại xã Phúc Than. Việc tổ chức xây dựng nội dung, tổ chức thực hiện được triển khai đảm bảo khoa học, thống nhất, đồng bộ từ xã, tới các thôn, bản và tới từng hộ dân bàn bạc, tham gia thống nhất. Nội dung cam kết có sự tham gia đóng góp của cán bộ huyện, xã, thôn, bản nên khá sát với thực tiễn.


 Lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu và UBND huyện Than Uyên trao giấy khen
cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Theo đồng chí Lê Anh Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phúc Than, xác định đây là việc mới, việc khó, Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch, phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành phụ trách, theo dõi, giúp đỡ. Công tác tuyên truyền, vận động người dân được xã giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức bằng hai thứ tiếng Mông và tiếng phổ thông, ngoài ra, còn được thực hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng. Phương châm thực hiện là lấy dân làm gốc, lấy nhân dân vận động nhân dân; vận động cán bộ chủ chốt, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín làm nòng cốt nêu gương trong thực hiện…

Được biết, bản cam kết “5 việc phải làm, 5 việc không làm” gồm những nội dung thiết thực, gắn với cuộc sống hàng ngày của bà con, điển hình như: Phải cùng nhau thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau; giữ nguyên truyền thống tôn kính tổ tiên, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; Phải đến trạm y tế khám, chữa bệnh khi ốm đau. Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con; phải cho con đến trường học theo quy định; phải tổ chức đám ma tiết kiệm, người chết phải cho vào quan tài và được chôn cất cẩn thận; phải duy trì lễ hội truyền thống tốt đẹp của người Mông… Không trồng, không hút thuốc phiện, không tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; không di cư tự do, không chặt cây, đốt phá rừng làm nương rẫy; không nghe kẻ xấu tuyên truyền bỏ bàn thờ theo đạo trái pháp luật…

Tuy mới qua 6 tháng triển khai thực hiện thời gian thực hiện xây dựng nếp sống mới trong đồng bào dân tộc Mông song xã Phúc Than đã thu được những kết quả đáng khích lệ: Các hộ gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tôn kính tổ tiên. Nhiều hộ, nhiều cá nhân đã đồng tình ủng hộ và nhận thức rõ cái lợi của chủ trương này đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền từ gia đình, cá nhân mình tới các hộ gia đình khác trong bản. 98% người dân khi ốm đau đến cơ sở y tế khám, điều trị. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được xóa bỏ; việc cưới, việc tang được tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém; không thách cưới; trẻ em trong độ tuổi được đến trường, tình trạng bỏ học giảm, tỷ lệ chuyên cần các cấp học đạt 99%.

Đặc biệt, 100% hộ dân tự nguyện ăn tết theo Tết Nguyên đán chung của cả nước. Tết người Mông được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm, hiệu quả. Các hộ dân chấp hành tốt quy định của pháp luật, không trồng cây thuốc phiện, không buôn bán ma túy. Năm 2017 đến nay số người nghiện hút không gia tăng. Các gia đình đã có ý thức giao nộp cho Công an các công cụ hỗ trợ, đặc biệt là súng săn. 100% hộ dân thực hiện tốt việc không di cư tự do, không chặt cây, đốt, phá rừng làm nương rẫy thực hiện tốt các hương ước, quy ước của bản đề ra; tích cực tham gia trồng chè, thảo quả và các cây trồng khác để tăng thu nhập.

Nhiều hộ tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; không thả rông gia súc. Bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần thúc đẩy sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Các hộ dân trong bản có đời sống nâng lên.

Theo ông Vàng A Vù – Trưởng bản Sam Sẩu, xã Phúc Than: Trước đây trong bản còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như: Tảo hôn; lấy vợ, chồng cận huyết thống; khi gia đình có người chết, bà con không cho vào quan tài và tổ chức ăn uống 3- 4 ngày rất tốn kém. Từ khi bà con ký bản cam kết “5 việc phải làm, 5 việc không làm” thì tình trạng trên đã giảm hẳn và được nhiều người ủng hộ.

Những kết quả bước đầu từ việc thực hiện nếp sống mới mà trọng tâm là nội dung “5 việc phải làm, 5 việc không làm” có thể khẳng định, đây là một chủ trương đúng, sát hợp với yêu cầu thực tế. Qua đó, không chỉ phát huy hiệu quả trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thúc đẩy ý chí, nghị lực vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, khơi dậy tính tự giác, ý thức làm chủ của đồng bào dân tộc Mông mà còn góp phần làm thất bại âm mưu lợi dụng diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.

Chủ trương đúng được nhân dân đồng tình ủng hộ hiệu quả cao sẽ được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện thời gian tới./.

Nguồn: cand.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi