Thứ Bảy, 25/1/2025
Người Bahnar làm du lịch

Khu làng phục dựng làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) đón những lượt khách đầu tiên đến tham quan du lịch vào mùa hè năm 2017, khi huyện tổ chức Ngày hội văn hóa du lịch. Cùng tề tựu về đây, đồng bào các làng: Stơr, Leng 1, Leng 2 và làng Kuk lần đầu biết đến việc “trình diễn nghề truyền thống” để phục vụ khách du lịch. Trong âm thanh rộn ràng của tiếng cồng, tiếng chiêng, đồng bào trổ tài đan gùi, tạc tượng, dệt vải, chế biến món ngon dân tộc…, qua đó giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc  tới mọi người. Kể từ đó tới thời điểm này, Làng kháng chiến phục dựng Stơr đã thu hút trên 10 ngàn lượt khách; riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã có trên 5 ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. 

Chúng tôi quay trở lại khu làng phục dựng vào một ngày đầu tháng 6. Qua lời giới thiệu của anh Đinh Mỡi-một người dân làng Stơr nay đã trở thành hướng dẫn viên của khu làng phục dựng. Được biết đã có 5 hộ người Bahnar từ các làng đến sinh sống tại đây luôn sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào có du khách đến tham quan. Cũng bởi, ốc dưới suối, lá mì, cà đắng, ống nứa quanh làng và khung dệt, lạt tre thì luôn có sẵn trong mỗi nếp nhà của những người Bahnar yêu nghề. Già Đinh Ngơn (làng Kuk, xã Tơ Tung), chia sẻ: Có khách du lịch đến tham quan chúng tôi vui lắm; từ làng Leng, làng Kuk, làng Stơr, chúng tôi cùng về đây để cùng phục vụ khách tham quan. Tôi ở đây, vừa đan gùi phục vụ du khách và cũng vừa cho bọn trẻ thấy mà thêm yêu thích nghề truyền thống của cha ông. Tôi rất mong cháu con mình cố gắng giữ lấy nghề.

Khu vực trình diễn nghề dệt thổ cẩm là nơi phụ nữ Bahnar làm nên những trang phục truyền thống. Để du khách có được niềm vui trọn vẹn, các chị sẵn sàng giúp khách mặc trang phục lên người, chụp ảnh kỷ niệm; đồng thời nhận dệt vải, may áo theo nhu cầu của khách. Hầu hết các sản phẩm đều được trưng bày tại Nhà Lưu niệm anh hùng Núp. Những chiếc ví cầm tay có giá từ 40 đến 50 ngàn đồng; túi xách, áo, khố, chăn thì có giá từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo kích thước và mẫu mã. Nhờ vậy, nhiều chị em có thêm thu nhập từ chính sự khéo léo và niềm đam mê với nghề dệt thổ cẩm của mình.

Rong ruổi trên các ngọn đồi, con suối, người Bahnar từ xưa đến nay đã quen với việc tìm kiếm những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên để làm thức ăn. Dân dã mà đặc sắc nhất có thể kể đến ở đây như rượu cần, ốc đá, cơm lam, lá mì cà đắng… Ngày nay, rượu cần, ốc đá và cơm lam đã trở thành những món ngon không thể thiếu trong những ngày diễn ra lễ hội của đồng bào dân tộc Bahnar. Riêng tại xã Tơ Tung, các món ngon kể trên đã trở thành đặc sản để người dân nơi đây giới thiệu với khách du lịch khi có dịp ghé thăm làng mình.

Ông Đinh Nim (làng Leng 2) là người có khá nhiều kinh nghiệm trong việc chế biến món ăn. Trong gian bếp nhỏ nghi ngút khói, ông Nim vẫn thong thả chế biến từng món ăn. “Khi khách có nhu cầu thưởng thức các món ăn,  chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ. Việc đi tìm ống nứa, bắt ốc, bắt cá, hái lá mì, nướng gà cho khách thưởng thức đã là những công việc khá quen thuộc của tôi rồi”-ông Nim tâm sự.

...Có thể thấy, bằng sự nhiệt tình và nồng hậu, bằng chính tài nghệ của mình, các hộ đồng bào Bahnar xã Tơ Tung đã và đang cùng nhau chung tay góp sức vào việc phát triển du lịch của địa phương, để cho ngày mỗi ngày qua đi, có thêm nhiều du khách biết đến Stơr, biết đến  Tơ Tung, biết đến Kbang...

Theo Hà Duyệt/Báo Gia Lai online

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi