Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc đặc biệt ít người: Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao” theo Quyết định 1672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1672), huyện Mường Tè (Lai Châu) có 3 dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ được thụ hưởng. Những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc được hưởng chính sách này đã được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và ổn định.
|
Những ngôi nhà được xây kiên cố tại bản Phìn Khò |
Bản Phìn Khò, xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu) là nơi sinh sống của 149 hộ dân, với 714 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc La Hủ. Trước đây, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, chiếm trên 90%; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, mái cứng và khung cứng) chỉ đạt khoảng 2%. Sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ làm nhà ở theo Đề án 1672 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỷ lệ nhà tranh tre, nứa lá của các hộ nghèo trong bản đã cơ bản được xóa bỏ; tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” trong bản đạt 98%. Nhờ đó, đến nay nhiều hộ dân trong bản Phìn Khò không còn phải sống trong những căn nhà xiêu vẹo, lụp xụp, bà con yên tâm định cư, lao động sản xuất.
Chị Sừng Mỳ Ché, bản Phìn Khò, xã Bum Tở cho biết, trước đây điều kiện kinh tế gia đình chị rất khó khăn, thiếu vốn, thuộc diện hộ nghèo của bản. Tuy nhiên, sau khi được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, người thân, đặc biệt là nguồn vốn từ Quyết định 1672, gia đình chị đã làm được ngôi nhà vững chãi với nền cứng, khung cứng và mái lợp tôn. “Được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở, gia đình chúng tôi rất vui. Khi gia đình có nhà cửa vững chắc ổn định thì việc làm ăn phát triển kinh tế cũng sẽ dần dần ổn định hơn, đời sống cũng khá hơn, không còn đói nghèo như xưa. Sau này, các con lớn lên cũng sẽ được đi học tốt như các bạn”, chị Sừng Mỳ Ché vui mừng chia sẻ.
Đối với một huyện xa xôi, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, cách trở, kinh tế của bà con còn nghèo thì chủ trương hỗ trợ làm nhà ở cho vùng đồng bào các dân tộc khó khăn như Cống, Mảng, La Hủ theo Đề án 1672 của Thủ tướng Chính phủ phải khẳng định là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Nhờ chính sách này, điều kiện kinh tế của bà con không những được nâng lên, mà còn giúp xóa bỏ tình trạng đốt rừng lấy cỏ tranh về làm nhà.
Ông Vàng Lỳ Sơn, Chủ tịch UBND xã Bum Tở cho biết, sau khi nhận được hỗ trợ của Nhà nước theo Đề án 1672 về hỗ trợ nhà ở, người dân rất phấn khởi và tư tưởng có sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, trước đây khi chưa có quyết định hỗ trợ nhà ở thì nhà ở của người dân chủ yếu làm bằng tranh tre vách nứa, mái lợp bằng cỏ tranh. Vì thế, người dân phải đốt rừng để cỏ tranh mọc lên, sau đó lấy cỏ tranh về lợp mái nhà. Từ ngày có chính sách hỗ trợ nhà ở theo tiêu chuẩn “3 cứng” của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng đốt rừng lấy cỏ tranh đã không còn.
Ông Vàng Lỳ Sơn cho biết thêm: “Những hộ đã có nhà ở theo tiêu chuẩn “3 cứng” là những hộ làm kinh tế rất chắc vì yên tâm lao động sản xuất. Nếu nhà cửa của dân không ổn định, thì không thể nghĩ tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Vì thế, đây được coi là bước đột phá để xóa đói giảm nghèo bền vững”.
Theo ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, trong những năm qua, huyện Mường Tè đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã thuộc diện Đề án 1762 và các cơ quan chuyên môn như Phòng Lao động, Phòng Dân tộc tích cực vào cuộc vận động nhân dân khai thác thêm vật liệu, cộng với nguồn hỗ trợ để triển khai thực hiện, đồng thời lồng ghép thêm nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách. Nhờ vậy, đến nay huyện Mường Tè đã hỗ trợ cho trên 1.000 hộ dân tộc Cống, Mảng, La Hủ làm nhà ở đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” theo đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc đặc biệt khó khăn.
Trong thời gian tới, huyện đề nghị Đề án 1672 tiếp tục hỗ trợ về nhà ở và lồng ghép thêm các chương trình của Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ cũng như các tổ chức nhân đạo từ thiện khác, để huy động làm nhà ở cho 3 dân tộc Cống, Mảng, La Hủ; từng bước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ gia đình, hộ nghèo đều có nhà ở theo tiêu chuẩn.
Có thể nói, hiệu quả nhất mà Đề án 1672 mang lại là xóa được nhà tạm cho các hộ dân, bà con dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn yên tâm trong việc thực hiện sinh kế, lao động sản xuất hàng ngày; có điều kiện chăm lo sức khỏe, con em được học hành; tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Nguồn: dantocmiennui.vn, 25/5/2018