Thứ Hai, 23/12/2024
Ninh Thuận: Đẩy mạnh thực hiện chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Sau gần 2 năm triển khai, Quyết định số 2085/QĐ-TTg đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào DTTS-MN tại địa phương và tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh  Ninh Thuận.

Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt năm 2017-2020 cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) trên địa bàn tỉnh. Sau gần 2 năm triển khai, Quyết định số 2085/QĐ-TTg đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào DTTS-MN tại địa phương và tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh. 


 Nông dân Bác Ái trồng cây bắp lai mang lại hiệu quả cao

Đồng bào DTTS-MN trên địa bàn tỉnh có 34.456 hộ/162.115 nhân khẩu, chiếm 23,54 % dân số toàn tỉnh; trong đó hộ nghèo DTTS có 9.898 hộ, chiếm 28,73%, hộ cận nghèo DTTS 5.750 hộ, chiếm 16,69% sinh sống tại 37 xã, thị trấn, 124 thôn (trong đó có 14 xã khu vực III, 22 xã khu vực II, 1 xã khu vực I; 77 thôn, khu phố đặc biệt khó khăn); 1 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ của Chính phủ. Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 96/2017/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt năm 2017-2020 cho vùng DTTS-MN trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, hỗ trợ phát triển sản xuất, thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình, chính sách phát triển xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ đời sống mang lại những hiệu quả thiết thực. Tình hình KT-XH vùng DTTS-MN có nhiều thay đổi, đời sống người dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đã hình thành và phát huy, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. 

Đến nay, 100% xã vùng DTTS-MN đều có đường ô tô đến trung tâm xã và lưu thông quanh năm; 61,11% thôn vùng DTTS-MN đã có đường giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dụng mới. Hệ thống lưới điện quốc gia đã phủ kín, trên 90% hộ gia đình được dùng điện thắp sáng; 89% hộ gia đình DTTS-MN được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 hồ chứa phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng DTTS-MN, cùng với đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống kênh mương cấp II, III, góp phần nâng cao năng lực tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng. Công tác giáo dục được cải thiện nhiều, nhất là tăng cơ hội học tập cho trẻ em DTTS-MN. Việc miễn, giảm học phí, cấp học bổng và các chính sách hỗ trợ khác đã tạo điều kiện cho đại bộ phận con em các gia đình nghèo, diện chính sách trong đồng bào DTTS-MN được học tập. Đến nay, toàn vùng DTTS-MN có 132 trường học các cấp; toàn tỉnh có 5 trường dân tộc nội trú và 15 trường hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú dành riêng cho con em DTTS sinh sống trên địa bàn. 

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng DTTS-MN được chú trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư nâng cấp; đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, nhất là mạng lưới y tế cơ sở; toàn vùng có 3 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện đóng trên địa bàn, tất cả các xã đều có trạm y tế, 62% trạm y tế có bác sỹ làm việc và 100% số thôn vùng đồng bào Raglai có nhân viên y tế và cô đỡ thôn; trên 97% phụ nữ có thai được quản lý, 81,6% phụ nữ có thai được khám thai đủ 3 lần trong thời kỳ mang thai; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 29%; 97,9% người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ; tỷ lệ mù chữ của nữ DTTS còn 0,4%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Quyết định số 2085/QĐ-TTg vẫn còn gặp khó khăn. Một số chính sách như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt, vốn vay ưu đãi vẫn chưa triển khai được do thiếu nguồn vốn. Qua kết quả rà soát, có 9.223 lượt hộ nghèo vùng DTTS-MN có nhu cầu về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi, với tổng nguồn vốn hơn 365,86 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, Trung ương chưa thông báo nguồn vốn để thực hiện Đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS-MN tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017-2020, dẫn đến việc triển khai Quyết định số 2085/QĐ-TTg chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra.

Ngày 24-4-2018, UBND tỉnh đã có báo cáo số 105/BC-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm phân bổ kinh phí thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg để tỉnh chủ động triển khai thực hiện đề án. Ban Dân tộc HĐND tỉnh thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với đồng bào DTTS để hạn chế tình trạng thất thoát và sử dụng sai mục đích, góp phần tạo điều kiện cho ngươi dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Trong thời gian đến, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS-MN theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững và các chương trình, đề án của Trung ương và địa phương đối với đồng bào DTTS-MN. Tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ DTTS-MN nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng DTTS-MN với các vùng khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận./.

Nguồn: baoninhthuan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi