Chủ Nhật, 26/1/2025
Giám sát thực hiện chính sách an sinh xã hội ở vùng DTTS và miền núi: Nhiều lỗ hổng

Tính đến nay, hệ thống các chính sách an sinh xã hội (ASXH) đối với đồng bào DTTS có thể xem là khá toàn diện, bao quát các lĩnh vực. Theo thống kê, hiện có 150 văn bản quy phạm pháp luật đang thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; trong đó có trên 100 chính sách trong lĩnh vực ASXH của Trung ương, ngoài ra các địa phương còn triển khai một số chính sách ASXH đặc thù.


 Bảo đảm nước sinh hoạt hợp vệ sinh là một chính sách ASXH đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi.

Hệ thống chính sách ASXH đã và đang hỗ trợ cải thiện mọi mặt cuộc sống của đồng bào DTTS, từ việc tiếp cận dịch vụ (giáo dục, y tế), cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất đến thúc đẩy sản xuất hàng hóa và liên kết thị trường, đào tạo nghề, tham gia thị trường lao động. Chính sách ASXH từ tập trung hỗ trợ trực tiếp (như chính sách trợ cước, trợ giá và cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho người dân vùng dân tộc và miền núi) chuyển sang vừa đầu tư phát triển vừa hỗ trợ trực tiếp cho người dân (như hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống văn hóa của người dân và đào tạo cán bộ cơ sở, giảm nghèo, y tế, giáo dục, đào tạo nghề…).

Tuy nhiên, không ít chính sách ASXH trong quá trình triển khai đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong khi đó, do khâu giám sát việc thực hiện chính sách còn quá nhiều lỗ hổng nên những tồn tại, hạn chế này không được tháo gỡ kịp thời.

Mới đây (ngày 14/4), tại Lào Cai đã diễn ra Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội”. Tại buổi Tọa đàm, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc giám sát thực hiện chính sách ASXH trong thời gian qua.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nông Đức Ngọc, có những chính sách ASXH chưa hiệu quả vì không cân đối được nguồn lực hoặc nguồn lực rất phân tán. Chẳng hạn như chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, địa phương rất nỗ lực triển khai nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Hay một số chính sách đã ban hành nhưng Trung ương chưa bố trí được kinh phí thực hiện, nếu dựa vào nguồn lực của riêng địa phương thì không thể làm được.
Ông Ngọc đồng thời cũng là đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai nên khi nhìn từ góc độ thực hiện chức năng giám sát, ông cho rằng, hiện có quá nhiều cái khó. Ông thẳng thắn thừa nhận, giám sát của HĐND tỉnh về ASXH còn ít, phương pháp giám sát chưa sâu.

Còn bà Hà Thị Thiệp, Trưởng ban Dân tộc-HĐND tỉnh Lào Cai thì cho rằng, việc giám sát của HĐND tỉnh hiệu quả hơn nhưng không thể “ôm xuể” vì nhân lực quá mỏng và thời gian có hạn. Một năm, HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh chỉ có thể tiến hành khoảng 3-4 giám sát chuyên đề. Trong khi đó, hệ thống chính sách ASXH hiện nay rất nhiều, rất rộng. Thống kê hiện có hơn 100 chính sách ASXH của Trung ương và khoảng 50 chính sách của địa phương được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tại buổi Tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã chia sẻ những khó khăn trong việc giám sát thực hiện chính sách ASXH. Ông “nói thật” rằng, dù hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ASXH, cả ở “vai” điều hành thực thi chính sách và 3 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, với “vai” lập pháp, giám sát, nhưng bản thân ông cũng không thể “thuộc” được hết các chính sách ASXH.

Đây là một trong những lý do để Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất nghiên cứu một đề tài cấp quốc gia về “Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về ASXH ở Việt Nam”. Mục tiêu của Đề tài này chính là hoàn thiện cơ sở lý luận và cung cấp các căn cứ thực tiễn cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về ASXH./.

Nguồn: baodantoc.com.vn, ngày 23/4/20178

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi