Thứ Hai, 23/12/2024
Rộn ràng đón Tết Chol Chnam Thmay

Nhà nhà đón tết

Đến các phum sóc trên địa bàn tỉnh những ngày này, hình ảnh đồng bào dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh thật rộn ràng. Ông Danh Thành, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, nói: “Tết năm nay tôi tổ chức lớn hơn mọi năm vì được mùa”.

Ngoài việc sơn lại nhà, ông Thành còn mua một thùng nếp để gói bánh tét trong khi tết năm rồi gia đình chỉ gói 5 lít nếp; còn sắm vài bộ quần áo mới cho bản thân và gia đình để viếng chùa. Đặc biệt, ông còn làm thịt một con heo để đãi họ hàng.

Gia đình ông Thành có 15 công ruộng. Vụ Đông xuân vừa rồi trừ chi phí ông lời trên 4 triệu đồng/công - điều mà những năm trước đây không có.

Còn gia đình ông Danh Quợl, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đón tết cũng khá lớn. Chỉ tay về phía dàn âm ly, ti vi mới toanh gia đình mua về được vài ngày, ông Quợl khoe: “Bây giờ cuộc sống thoải mái rồi thì phải giải trí chứ. Vả lại, đón tết thì phải lớn, cúng ông bà, tổ tiên cho thịnh soạn thì năm mới làm ăn sẽ thuận lợi”.

Do gia đình chỉ có 3 công ruộng nên những năm trước cuộc sống đủ gói ghém qua ngày. Đầu năm 2017, gia đình ông mở quán ăn kèm giải khát, vì vậy thu nhập tăng lên, đặc biệt, vụ Đông xuân năm nay, từ 3 công ruộng trừ chi phí gia đình thu về khoảng 10 triệu đồng nên cuộc sống gia đình thoải mái hơn.

Giống như Tết Nguyên đán của người Kinh, Tết Chol Chnam Thmay là mừng năm mới của đồng bào dân tộc Khmer, do đó người người đều rất trông chờ. Em Danh Bình, ở khu vực I, phường IV, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tết này em được mẹ mua 2 bộ quần áo mới, đến ngày đó sẽ rủ bạn bè vào chùa để vui chơi”.

Các chùa chuẩn bị chu đáo

Trong 3 ngày Tết cổ truyền đồng bào Khmer, hầu hết các hoạt động cúng bái, vui chơi giải trí đều tổ chức tại chùa. Vì vậy, trước tết bà con phật tử phối hợp với ban quản trị quét dọn, trang trí trong và ngoài chùa.

Chùa Utđôngmenchay, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa là một trong những chùa Khmer  xưa nhất tỉnh, do đó thu hút lượng lớn bà con phật tử đến viếng mỗi khi có lễ, hội.

Để chuẩn bị đón Tết Chol Chnam Thmay, ban quản trị chùa cùng với một số bà con phật tử treo cờ đạo, quét dọn bàn thờ Phật, bàn thờ Bác Hồ và khuôn viên chùa khoảng 1 tuần trước. Đơn vị còn phối hợp với ngành chức năng của xã chuẩn bị một số tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian để phục vụ bà con… “Năm nay, chúng tôi cũng tổ chức cho bà con trưng bày một số gian hàng ẩm thực để ngày tết thêm xôm tụ, ấm áp, long trọng”, ông Danh Quận, đại diện ban quản trị chùa thông tin.

Toàn tỉnh hiện có trên 33.000 đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có trên 24.500 người đồng bào dân tộc Khmer. Những năm qua, các cấp, các ngành tích cực thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe, phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo cho đồng bào dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.

Đặc biệt, năm 2017, tỉnh đã tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer thông qua các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm… với tổng nguồn vốn trên 16 tỉ đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc, từ đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, đến nay còn 23,5%/tổng số hộ.

Trong những ngày diễn ra tết, ở các phum, sóc, chùa Khmer náo nhiệt suốt ngày đêm; và rồi những điệu múa lâm thôn được bà con thể hiện tại các chùa sẽ thêm rộn ràng, năm mới sung túc, tiến bộ...

Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, cho biết: “Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp nên đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh yên tâm lao động, sản xuất, từ đó đời sống được nâng lên. Tết Chol Chnam Thmay là dịp để đồng bào dân tộc Khmer thắt chăt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, lao động sáng tạo”.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi