Tại buổi họp mặt và đánh giá tình hình thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2017, ông Triệu Quang Lợi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau nhìn nhận: “Bên cạnh sự ý thức vươn lên trong lao động sản xuất để thoát nghèo của đồng bào dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách dân tộc được thực thi hiệu quả trong những năm qua đã góp phần rất quan trọng tạo nên chuyển biến rõ nét về đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc, nhất là những vùng sâu, vùng xa”.
Xã Khánh Hoà, huyện U Minh là một điển hình. Khánh Hoà thuộc địa bàn vùng sâu và tập trung đông đồng bào Khmer (284 hộ). Năm 2017, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135 đã giúp nhiều hộ nghèo đồng bào Khmer có thêm điều kiện phát triển sản xuất.
Ông Danh Hoài Liêm, Trưởng Ấp 6, xã Khánh Hoà, cho biết: “Hiện nay bà con đã biết kết hợp sản xuất vụ lúa vụ tôm, trồng hoa màu và chăn nuôi. Có được kết quả trên, ngoài ý thức lao động sản xuất của bà con được nâng lên, còn nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ sản xuất; bên cạnh đó là sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, giao thương buôn bán”.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc là vấn đề quan trọng, xã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền.
Ông Phạm Hồng Ngự, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hoà, cho biết, xã tạo dựng không gian chung để bà con sinh hoạt, qua đó chính quyền địa phương có thể gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời tuyên truyền để bà con nắm những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ông Đào Hữu Nghĩa, Ấp 6, xã Khánh Hoà, chia sẻ: “Việc xây dựng các salatel làm chúng tôi rất phấn khởi, vì đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc có nơi sinh hoạt, giao lưu trong các dịp lễ, Tết. Qua đó, chúng tôi thêm tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi luôn học hỏi từng ngày để gắn kết, giao lưu văn hoá với tập thể, cộng đồng. Tuy nhiên cũng không quên nhắc nhở, dạy bảo con cháu luôn phải giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình, nhất là chữ viết đang ngày càng mai một”.
ấn đề giáo dục trong con em đồng bào dân tộc cũng đã có những chuyển biến đáng trân trọng. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đều được huy động đến trường. Đặc biệt, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer còn có con em tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Tại Ấp 6, xã Khánh Hoà, ông Đào Bê là nông dân lao động sản xuất giỏi đồng thời có 2 con đều tốt nghiệp đại học, hiện đang công tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Ông Đào Bê vui mừng chia sẻ: “Sự trợ giúp, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để con em đồng bào dân tộc được đến trường, cũng như có cơ hội tìm kiếm việc làm. Mong rằng đồng bào dân tộc sẽ cố gắng nhiều hơn để ngày một nâng cao trình độ dân trí, xoá bỏ tập quán lạc hậu, chung sức xây dựng xã hội ngày càng phát triển hơn”./.
Theo Báo Cà Mau