Nhờ chủ động lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, các chương trình, dự án, những năm qua, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc (CSDT) trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
|
Đường nông thôn xóm Lũng Giàng, xã Phù Ngọc được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình 135 |
Vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng gồm 12 xã, địa hình chia cắt bởi các dãy núi đá cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, quanh năm thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, vì thế, đời sống của bà con trước đây gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Song, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, đến nay, toàn vùng đã được đầu tư hơn 139 tỷ đồng xây dựng 14 hồ, 157 bể chứa nước, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề thiếu nước sinh hoạt và một phần nước sản xuất cho người dân trong mùa khô.
Bên cạnh đó, các chương trình, dự án còn tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, như: điện, trường học, trạm y tế, đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đến những xóm, bản khó khăn, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về giáo dục…, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Anh Trương Văn Biền, xóm Táy Trên, xã Thượng Thôn chia sẻ: Trước đây gia đình tôi rất nghèo, năm nào cũng trông chờ gạo cứu đói tết, cứu đói giáp hạt. Nhưng từ năm 2014, gia đình tôi đã được Chương trình 135 hỗ trợ vốn mua 1 con bò, sau đó được hỗ trợ giống lạc L14, tiền làm chuồng trại, được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi... Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, đàn bò gia đình tôi có 3 con, đem lại thu nhập cao... Chị Sầm Thị Dáy, xóm Thượng Sơn, xã Thượng Thôn cho biết: Được hỗ trợ giống lạc, phân bón từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135, vụ hè thu năm 2017, gia đình tôi trồng 0,5 ha lạc, thu hoạch hơn 1 tấn lạc, trừ chi phí cho thu nhập trên 20 triệu đồng.
Theo Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hà Quảng Nguyễn Thị Khoa, từ năm 2009 - 2017, thông qua các chương trình, dự án (Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/QĐ-TTg, Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg)..., huyện Hà Quảng đã được hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng thực hiện các CSDT trên địa bàn. Các chương trình, CSDT được thực hiện đúng theo nguyên tắc phân bổ vốn cho từng xã và dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, đảm bảo tính công khai, công bằng, mang lại hiệu quả xã hội cao.
Nghị quyết 30a đã hỗ trợ huyện hơn 302,8 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 226 tỷ đồng đầu tư 104 hạng mục công trình; vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất hơn 60 tỷ đồng; vốn sự nghiệp duy tu bảo dưỡng hơn 16,5 tỷ đồng thực hiện 25 hạng mục công trình. Chương trình 135 hỗ trợ huyện 137 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ sản xuất. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn hỗ trợ huyện đào tạo, dạy nghề cho 2.864 lượt người. Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg hơn 7,7 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất cho 13.716 lượt hộ nghèo vùng khó khăn. Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã hỗ trợ 534 hộ nghèo với số tiền hơn 6,2 tỷ đồng…
Thực hiện hiệu quả các CSDT, đến nay, 100% xã của huyện có đường ô tô, điện lưới đến trung tâm xã, trên 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, bộ mặt nông thôn vùng cao đổi mới. Huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Trường Hà, Đào Ngạn), 3 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 13 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí nông thôn mới… Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Vương Văn Võ khẳng định: Để phát huy hiệu quả hơn nữa các CSDT, huyện Hà Quảng tiếp tục lồng ghép các nguồn lực, sử dụng các nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở tại các xã, xóm, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng hàng hóa... Huyện mong Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung lại mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a (vì quy định mức hỗ trợ mua gia súc không quá 10 triệu đồng/hộ và mức hỗ trợ không quá 2 triệu đồng/hộ/chuồng trại là thấp, không sát với thực tế tại địa phương); bổ sung nội dung hỗ trợ phân bón vào nội dung thực hiện “Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn” theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bổ sung kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Phân bổ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết đất sản xuất cho hộ thiếu đất. Hằng năm, sớm phân bổ nguồn vốn thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg về nội dung nước sạch sinh hoạt phân tán và nước sinh hoạt tập trung theo đề án được phê duyệt… /.
Nguồn: haquangtv.vn, ngày 14/3/2018