Thứ Sáu, 22/11/2024
Bình Phước: Phát huy vai trò người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền
trao quà tặng già làng tiêu biểu và người có uy tín các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

GIÁO DỤC NGƯỜI DÂN YÊU LAO ĐỘNG

Nhiều năm trước, Phú Nghĩa (Bù Gia Mập, Bình Phước) là một trong những xã khá “nóng” về tình trạng hộ đồng bào DTTS cầm cố, sang nhượng đất, bán điều non, vay nặng lãi. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những già làng, người uy tín ở các thôn nên tình trạng này được hạn chế. Nhiều hộ đã lấy lại được đất sản xuất, tập trung làm ăn và thoát nghèo. Ông Điểu Rôn (1948) là người uy tín trong thôn Đắk Son I, vì vậy lãnh đạo xã luôn giao nhiệm vụ cụ thể, làm cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân trong thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của xã, thôn.


 Không chỉ nhiệt tình trong hoạt động xã hội, người uy tín - già làng Điểu Rôn
còn tích cực tăng gia sản xuất

Ông Điểu Rôn (1948) cho biết: “Tôi thường xuyên đến từng nhà vận động mọi người đi họp thôn để được hướng dẫn cách phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh. Ở thôn còn nhiều người lười lắm; đám thanh niên chỉ tụ tập ăn nhậu, không chịu tham gia họp hành, tập huấn, tôi trực tiếp đến nhà nói chuyện. Nếu không nghe thì sao mà biết cách làm ăn và không biết làm ăn lại cầm cố đất, bán điều non để tiêu xài”.

Trăn trở trước sự nghèo khó của người dân, già làng Điểu Rôn đến từng nhà vận động các hộ nghèo phải giữ đất thì mới đủ ăn, các con có điều kiện đến trường. “Nói có sách, mách có chứng”, già làng lấy ngay bản thân để thuyết phục người dân. Hiện gia đình già Rôn sở hữu 12 ha điều và cao su. Nhờ đó, đời sống kinh tế luôn dư dả, con cháu được ăn học đầy đủ.

Già làng Điểu Rôn còn cùng những thành viên trong Hội đồng già làng xã đến các thôn đông đồng bào DTTS, như Đắk Son I, Đắk Son II, Khắc Khoan... làm tốt thông tin 2 chiều giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân, nắm tình hình người dân ở khu dân cư. Qua đó, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trên lĩnh vực an ninh trật tự, già làng Điểu Rôn phối hợp lực lượng công an thôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở. Bằng kinh nghiệm của bản thân, già làng cũng chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc tại cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”.

Ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết, việc phát huy vai trò người uy tín trong vùng đồng bào DTTS thời gian qua được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm. Cơ quan trực tiếp thực hiện công tác dân tộc đã triển khai tốt chính sách đối với người uy tín trong đồng bào DTTS. Nhờ đó, người uy tín đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò của mình,  làm thay đổi diện mạo vùng khó khăn, DTTS. Họ luôn tiên phong, gương mẫu để các thành viên trong gia đình, cộng đồng thôn, ấp noi theo. Người có uy tín còn tích cực tham gia phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng hương ước, quy ước của thôn; vận động nhân dân thay đổi các tập tục lạc hậu...”.

“CẦU NỐI” NÂNG CAO ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO DTTS

Ông Điểu Li Đe (1940) vừa là già làng của xã, vừa là người uy tín trong khu định canh, định cư xóm 3, thôn 7, xã Long Bình (Phú Riềng). Khu có 48 hộ với gần 200 người nhưng nhiều năm trước có tới 2/3 số hộ thuộc diện nghèo phải nhận trợ cấp thường xuyên và cứu đói giáp hạt. Tuy nhiên, đến nay đã xóa được trên 1/3 hộ nghèo. Điều đó thể hiện sự cố gắng không nhỏ của hệ thống chính trị nơi đây.


 Già làng - người uy tín Điểu Li Đe quan tâm việc học hành của con em trong thôn

Ông Lê Danh Biên, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở thôn 7 có già làng - người uy tín Điểu Li Đe được lãnh đạo xã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm với người dân. Ông luôn tích cực phối hợp tuyên truyền người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tìm thêm công việc phù hợp lúc nông nhàn, mùa mưa để có tăng thu nhập cho người dân. Ông còn chủ động tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng lười lao động, có hành vi vi phạm pháp luật; không để phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối mất trật tự, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết của mình, ông Điểu Li Đe còn góp tiếng nói, ý kiến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là “cầu nối” truyền tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đến cấp ủy, chính quyền xã. Tuy nhiên, già làng cũng luôn nhắc nhở đồng bào phải tự vươn lên lao động thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Già Điểu Li Đe cho biết: “Kinh tế gia đình chưa khá giả nên tôi luôn vận động người thân tìm thêm việc làm như cạo mủ cao su thuê, cạo vỏ lụa hạt điều... để tăng thu nhập và lấy đó làm gương cho bà con. Tại các buổi họp dân, tôi động viên con em trong thôn quan tâm học tập để nâng cao dân trí, xóa bỏ tư tưởng mặc cảm, tự ti, tích cực lao động sản xuất để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới”.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn, ngày 17/3/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi