Thứ Năm, 25/4/2024
Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Ông Hà Văn Thọ, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Sại,
xã Tam Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa) cùng bà con dân bản


TỉnhThanh Hóa có hơn 1.600 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín của mình, các già làng, trưởng bản đã trở thành lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Quan Sơn là huyện biên giới, với bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc Thái, Mông... Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quan Sơn là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào cách mạng qua các thời kỳ. Ngày nay, các già làng, trưởng bản vẫn là tấm gương sáng trong mỗi bản làng, được dân làng suy tôn, kính trọng. Tiếng nói, việc làm của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Quan Sơn giữ một vai trò hết sức quan trọng, tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân.

Ông Hà Văn Thọ, dân tộc Thái, có gần 20 năm làm trưởng bản rồi bí thư chi bộ bản Sại, xã Tam Lư - công việc mà người ta vẫn thường gọi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, thế nhưng, ông chưa bao giờ nề hà. Ông Thọ luôn tâm niệm, để dân hiểu, dân tin và làm theo những chủ trương của Đảng, Nhà nước thì bản thân mình phải thật sự gương mẫu trong tất cả các phong trào ở địa phương. Dẫn chúng tôi đi trên con đường trải bê tông sạch đẹp, nhà văn hóa của bản, ông Thọ vui mừng, cho biết: “Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các công trình nhà văn hóa, đường làng, ngõ xóm đều từ sức dân mà ra đấy!. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bản đã tuyên truyền và triển khai thực hiện các phong trào thi đua đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, với khẩu hiệu “Cả bản chung sức xây dựng NTM”. Hiện nay, đời sống nhân dân trong bản đã được nâng lên, với thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,73%, trong bản các hộ đã làm được nhà kiên cố, mua sắm các vật dụng gia đình, môi trường trong bản luôn được đảm bảo xanh, sạch, đẹp”.

Ông Triệu Phú Quý, trưởng thôn Bình Sơn, xã Cẩm Sơn (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), vốn là người có uy tín trong đồng bào Dao. Một trong những điều mà ông chú trọng giáo dục con cháu là không mắc các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật. Nếu ai mà làm trái với hương ước, quy ước của thôn bản sẽ bị đưa ra kiểm điểm trước dòng tộc, nếu mắc sai phạm nghiêm trọng có thể bị khai trừ khỏi dòng họ. Vì lẽ đó mà các gia đình người Dao trong thôn Bình Sơn đều noi gương ông, giáo dục, quản lý con cháu. Nhờ những đóng góp của ông Quý mà nhiều năm qua, tại thôn Bình Sơn không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật, an ninh trật tự luôn ổn định. Thôn Bình Sơn được công nhận là làng văn hóa cấp huyện. Tình làng, nghĩa xóm của bà con người Dao ở Bình Sơn ngày càng bền chặt, mọi người cùng đoàn kết, gắn bó, chăm lo phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp.

Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo nông thôn miền núi Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, với vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc mình, các già làng, trưởng bản, người có uy tín còn phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tích cực động viên nhân dân phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo xây dựng quê hương làng, bản./.

Nguồn: baothanhhoa.vn, ngày 24/2/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất