Thứ Tư, 24/4/2024
Làng nghèo đi lên nhờ chương trình kết nghĩa

Làng Krái (xã Kon Gang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) là một trong 11 làng mà Công ty Cà phê Đak Đoa kết nghĩa. Đây là ngôi làng có đến  98% dân số là người Bahnar, cuộc sống trước đây hết sức khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sau khi kết nghĩa với Công ty Cà phê Đak Đoa, làng Krái đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống chính trị được củng cố, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.


 Cán bộ Công ty Cà phê Đak Đoa hướng dẫn nông dân làng Krái kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu bền vững

Ông Síp-Bí thư chi bộ làng Krái, cho biết: “Hàng năm, sau vụ thu hoạch, Ban nhân dân thôn đều họp dân, nắm bắt tình hình của bà con rồi nhờ cán bộ Công ty Cà phê Đak Đoa xuống vườn hướng dẫn kỹ thuật tạo tán, cắt cành, tưới nước, bón phân. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ Công ty, vườn cà phê, hồ tiêu của người dân phát triển tốt, đạt sản lượng cao. Đời sống của người dân từ đó không ngừng được cải thiện”.  

Từng là hộ nghèo của làng nhưng gia đình anh A Mrach (làng Krái, xã Kon Gang) bây giờ đã có cuộc sống khấm khá. Anh Mrach cho biết: “Mình học được cách trồng cà phê khi đi làm thuê, song do chưa nắm vững kỹ thuật, cà phê không đạt năng suất như mong muốn, thu hoạch chỉ đủ tiền công và mua phân bón. Từ khi có cán bộ Công ty Cà phê Đak Đoa xuống tận vườn giúp đỡ, mùa khô mình biết tưới nước đúng cách, mùa mưa mình biết đào bồn ép xanh, kết hợp bỏ nhiều loại phân hóa học với phân hữu cơ. Nhờ đó, 2 năm sau, gần 2 ha cà phê của gia đình mình được phục hồi. Vụ thu hoạch vừa rồi, gia đình mình thu được gần 40 tấn cà phê tươi, cao nhất từ trước đến nay. Mình đã trả được hết nợ ngân hàng”.

Tương tự, anh Rơ Lan Honh (làng Đê Thung, xã Đak Rong) có 700 cây cà phê nhưng do không biết cách chăm sóc, vườn cà phê càng ngày càng cằn cỗi, cho sản lượng thấp nên gia đình mãi chịu cảnh nghèo. Biết vậy, anh Nguyễn Đình Sơn-Đội trưởng Đội 5 (Công ty Cà phê Đak Đoa) được phân công phụ trách kết nghĩa làng Đê Thung đã đề xuất với Công ty hỗ trợ kỹ thuật, phân bón để giúp gia đình anh Honh phục hồi vườn cà phê. “Tôi cứ tưởng 700 cây cà phê của mình sẽ bỏ khô để cỏ dại mọc nhưng sau 2 năm được sự hỗ trợ của cán bộ Công ty, vườn cà phê đã phục hồi, phát triển xanh tốt. Tôi cố gắng chăm sóc để vụ sau cà phê cho sản lượng cao”-anh Honh tâm sự.          

Không chỉ cử cán bộ xuống làng nắm bắt nhu cầu của bà con để hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật chăm sóc cà phê, hồ tiêu, giúp các hộ phát triển kinh tế, Công ty Cà phê Đak Đoa còn hỗ trợ tích cực về vật chất cho các làng kết nghĩa làm đường giao thông nông thôn. Vào các dịp lễ, Tết, ngoài thăm, tặng quà, Công ty còn hỗ trợ kinh phí để các làng có thêm điều kiện tổ chức vui Xuân. “Đơn vị quan niệm, muốn hộ nghèo thoát nghèo thì phải xác định được họ cần gì. Giúp bà con cái họ cần sẽ có tác dụng ngay. Hơn nữa, việc kết nghĩa này tạo nên sự gắn kết giữa làng với doanh nghiệp, qua đó xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh.Vì vậy, đơn vị xác định, công tác kết nghĩa tiếp tục được tăng cường thực hiện có hiệu quả và bền vững thì mới giúp được người dân thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu, tự lực vươn lên. Hy vọng, bằng sự nỗ lực của đơn vị, người dân các làng kết nghĩa sẽ nhanh chóng vươn lên thoát nghèo, làm giàu ở ngay chính mảnh đất của mình”-ông Lê Ngọc Ánh-Giám đốc Công ty Cà phê Đak Đoa, cho biết./.

Nguồn: baogialai.com.vn, ngày 25/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất