Thứ Bảy, 20/4/2024
"Tấm áo mới" của Khe Liêu

 Một góc của thôn Khe Liêu, xã Bằng Cả (Hoành Bồ, Quảng Ninh)

Khe Liêu có tổng số gần 60 hộ, 180 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao Thanh Y sinh sống. Trước năm 2011, đường vào Khe Liêu phải đi mất hàng giờ đồng hồ vì phải qua suối, mùa mưa Khe Liêu trở thành một ốc đảo biệt lập, đường vào thôn phải đi bằng đò. Việc giao thương của người dân gặp nhiều trở ngại ảnh hưởng tới điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Vì vậy,  Khe Liêu thuộc diện khó khăn nhất của xã Bằng Cả, tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm 1/3 số hộ dân.

Năm 2011, cầu Khe Liêu được đầu tư xây dựng, đến năm 2014 chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng, đời sống của người dân trong thôn nhờ đó có sự đổi thay nhanh chóng. Trước đây người dân trong thôn chủ yếu sống du canh du cư, đất canh tác ít, sản xuất manh mún nhỏ lẻ phụ thuộc vào tự nhiên là chính. Nhưng khi giao thông thuận lợi cùng với chính sách hỗ trợ hiệu quả của nhà nước, người dân trong thôn đã biết chuyển đổi cây trồng phù hợp để phát triển, tăng thu nhập và vươn lên làm giàu. 

Anh Đặng Văn Hiền, một trong những hộ dân tiêu biểu của thôn phát triển mô hình nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao cho biết: Nhận thấy điều kiện nơi đây thuận lợi cho việc nuôi bò, lại được nhà nước hỗ trợ 30% con giống, tôi đã nuôi 11 con bò. Đến nay, đàn bò của gia đình tôi đã lên đến 22 con. Năm qua tôi xuất chuồng được 10 con bò giống và bò thịt cho thu nhập gần 200 triệu đồng.


 Mô hình nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Lý Văn Thêm,
thôn Khe Liêu, xã Bằng Cả (Hoành Bồ, Quảng Ninh)

Tương tự là hộ gia đình anh Lý Văn Thêm, thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng mang lại thu nhập cao. Trước đây anh Thêm là một trong số những hộ nghèo trong thôn, nhờ mạnh dạn chuyển phương thức canh tác không những anh đã thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Anh Thêm chia sẻ: Năm 2015 tôi sang tỉnh Bắc Giang mua 4 con lợn nái về nuôi để bán giống cho các hộ. Nhận thấy, việc nuôi lợn rừng nơi đây vô cùng thuận lợi, thức ăn dễ kiếm, chi phí thấp cùng với việc thị trường tiêu thụ lợn rừng tốt nên gia đình luôn duy trì khoảng 50 con lợn, mỗi năm anh xuất khoảng 2 lứa cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Đây là 2 trong số nhiều mô hình phát triển kinh tế của Khe Liêu nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp người dân làm giàu. Khoảng 60% hộ dân Khe Liêu có nhà mái bằng kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm mạnh, hiện Khe Liêu chỉ còn 3 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.

Ông Đặng Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bằng Cả cho biết: Nhờ được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn cùng với chính sách giao đất, giao rừng đã giúp người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi mô hình sản xuất  vươn lên làm giàu.

Khe Liêu giờ đã khoác lên mình tấm áo mới khi đường đi, nhà văn hóa, trường học được đầu tư khang trang, đời sống người dân từng bước được cải thiện, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều thôn, bản khó khăn học tập, noi theo.

Nguồn: baoquangninh.com.vn,ngày 19/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất