Thứ Hai, 23/12/2024
Huyện Mường Nhé: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

 Múa của các thiếu nữ Hà Nhì, một tiết mục văn nghệ thường gặp trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi của dân tộc Hà Nhì

Sau hơn 15 năm chia tách và thành lập, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã có những đổi thay đáng kể, trên các lĩnh vực phát triển Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - An ninh; trật tự an toàn xã hội ngày càng được đảm bảo, đời sống hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày một khởi sắc, nâng lên, người dân phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, để cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc nơi cực Tây của Tổ quốc.

Để có được những diện mạo đổi thay đó, là có sự nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hóa, đó là: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng với việc xây dựng văn hóa, làm nền tảng tinh thần của xã hội nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của huyện.

Ngay sau khi Tỉnh ủy Điện Biên, ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh”, Đảng bộ huyện Mường Nhé đã kịp thời, xây dựng Chương trình hành động số 17-1, ngày 28/8/2016 của Ban Chấp hành đảng bộ để thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của tỉnh ủy Điện Biên, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của huyện. Trọng tâm là phát triển VHVN trên gắn với từ bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; phát triển các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc,… đây là những nội dung trọng tâm, được Đảng bộ huyện ưu tiên chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Theo đó, các hoạt động VHVN, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương như: Tổ chức các hoạt động VHVN, tạo điều kiện cho Nhân dân vui chơi giải trí trong dịp chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh và địa phương. Các hoạt động VHVN, diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán, Ngày hội đoàn kết các dân tộc, đều phù hợp với phong tục tập quán, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc của huyện, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt tinh thần của đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn.

Hiện toàn huyện có 01 Trung tâm hội nghị (kiêm nhà văn hóa huyện), 1 khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi, 24 nhà văn hóa bản, 01 nhà thi đấu đa năng, 01 sân tennis, 07 nhà thi đấu cầu lông và các khu thể thao, vui chơi giải trí khác để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân.

Ngoài ra, huyện cũng phát triển và thành lập được 55 đội văn nghệ cơ sở, 01 đội Tuyên truyền lưu động và 01 Đội chiếu bóng đang hoạt động hiệu quả, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của người dân trong các dịp lễ, tết, sự kiện chính trị… kịp thời mang ánh sáng Văn hóa của Đảng, đến phục vụ bà con tại các điểm bản vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Việc cưới, tang và lễ hội: là huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống, nên phong tục, tập quán và cách thức tổ chức cưới, tang và lễ hội cũng khác nhau. Song hầu hết các đám tang vẫn đảm bảo theo quy định và Quy ước của thôn, bản đã đề. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 38-CT/TU của tỉnh ủy Điện Biên về "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội", hầu hết các thôn, bản đều đưa vào quy ước để thực hiện việc bình xét, công nhận gia đình, bản, tổ dân cư văn hóa hàng năm, qua đó tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Việc cưới, trên địa bàn huyện được thực hiện đúng quy định pháp luật về đăng ký, cấp giấy kết hôn tại Trụ sở UBND xã, đa số đám cưới được tổ chức theo hướng ngày càng giảm bớt các thủ tục, lễ nghi không cần thiết, lành mạnh và tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, thể hiện sắc thái văn hóa riêng của từng dân tộc.

Các đám tang, hầu hết được tổ chức theo nếp sống văn hóa mới, đảm bảo việc khai tử. Hằng năm trên địa bàn huyện diễn ra gần 20 lễ hội, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện được thực hiện đúng theo quy định, phù hợp với thuần phong mỹ tục, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, nhất là một số lễ hội dân gian như: Lễ cúng bản của dân tộc Hà Nhì, Mừng cơm mới của dân tộc Si La, Xếp xí của dân tộc Thái...

Bà Pờ Diệu Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết thêm: "Bên cạnh việc tổ chức tốt các hoạt động VHVN, phục vụ bà con ở cơ sở, huyện Mường Nhé còn tích cực phòng chống các sản phẩm văn hóa phẩm độc hại, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tăng cường kiểm tra các cơ sở, nhất là các cửa hàng kinh doanh các dịch vụ văn hóa phẩm, dịch vụ Internet công cộng.

Chú trọng đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", làm cho văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo thêm sức mạnh đoàn kết trong các cộng đồng dân cư, phát huy được tính tích cực, sáng tạo của Nhân dân trong các hoạt động VHVN. Qua đó, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, góp phần quan trọng vào phát triển Kinh tế -Xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở".

Tuy nhiên trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh các hoạt động VHVN trên địa bàn huyện Mường Nhé một cách có hiệu quả, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về tầm quan trọng của công tác VHVN, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi ng¬ười dân nhận thức đúng đắn về quan điểm xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành, các đoàn thể trên địa bàn huyện. Xây dựng chương trình hoạt động, chăm lo bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá của Nhân dân trên địa bàn, làm cho VHVN góp phần thiết thực vào phát triển Kinh tế -Xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn huyện./.

Nguồn: dienbientv.vn, ngày 27/12/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi