Ðều đặn mỗi tối, các anh, chị lại đến tận nhà những học sinh dân tộc thiểu số để kèm cặp, nhắc nhở các em học bài. Qua chương trình “Thắp sáng ước mơ”, từ chỗ “học cũng được, không học cũng chẳng sao”, nay các em đã có ý thức hơn trong việc chuẩn bị bài vở và tự học ở nhà. Ðiều quan trọng không thể không kể đến, đó là ngay cả bố mẹ của các em cũng đã biết quan tâm hơn đến việc học của con cái.
|
Anh K’Giang kèm học sinh dân tộc thiểu số ở buôn Con Ó tại nhà |
7 giờ tối, anh K’Giang cùng với vài bạn là đoàn viên, thanh niên trong xã và giáo viên của Trường Tiểu học Mỹ Đức (huyện Đạ Tẻh) lại có mặt tại buôn Con Ó để làm công việc quen thuộc là đôn đốc, nhắc nhở các em học sinh chuẩn bị bài vở tại nhà từng em. Công việc này đã được thực hiện đều đặn từ đầu năm học cho đến nay. Ít thì 3 buổi mỗi tuần, nhiều thì có thể hơn, anh K’Giang đều có mặt để kèm cặp học sinh. Bởi lẽ, ngoài trách nhiệm của một Bí thư Đoàn xã, anh còn có nhiều tình cảm dành cho con em đồng bào mình. Anh chia sẻ: “Nhiều em học yếu, lại không có người nhắc nhở, dạy kèm ở nhà nên dễ sinh tâm lý chán nản, rồi bỏ học. Do vậy, ngay khi có mô hình “Thắp sáng ước mơ” do Đội An ninh Công an huyện Đạ Tẻh triển khai về, mình tập hợp anh chị em thanh niên, giáo viên để làm ngay. Thấy học sinh ngày càng tiến bộ, bản thân mình rất vui vì dù gì cũng đã góp được một phần công sức nhỏ cho các em đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hiện tại, có khoảng 15 thành viên tham gia kèm cặp cho học sinh ở buôn Con Ó. Từ trung tâm xã Mỹ Đức lên buôn Con Ó khoảng 3 km nhưng có nhiều anh chị ở thị trấn vẫn tích cực lên đó để giúp các em. Cứ từ 7 giờ đến 9 giờ tối, các anh chị lại đến từng nhà để đôn đốc, nhắc nhở học sinh học bài, chuẩn bị bài trước cho ngày hôm sau. Ban đầu, nhiều phụ huynh chưa hiểu nên thái độ hợp tác không tốt. Quan niệm của họ là con có học cũng được, không học cũng chẳng sao. Thế nhưng, lâu dần phụ huynh nhận thấy đây là việc làm tốt nên đã hợp tác rất tích cực. Nhiều gia đình có 2, 3 con đều được kèm cặp như gia đình anh K’Dũng B, anh K’Thoái. Anh K’Dũng B chia sẻ: “Nhà có hai con nhỏ học lớp 1 và lớp 2 được các anh đến tận nhà chỉ dẫn nên các cháu học khá tốt. Thấy các con học hành có nề nếp thì bản thân tôi rất vui, tôi mong các anh tiếp tục kèm cặp để hai cháu được học hành đến nơi, đến chốn”.
Trở lại câu chuyện của anh K’Giang, dù mô hình Thắp sáng ước mơ có sự chung tay từ rất nhiều thành viên của UBND xã, trường học và các chi hội tại buôn Con Ó nhưng anh K’Giang được xem là người “cầm cờ” giúp cho mô hình ngày càng sôi nổi và đi vào chiều sâu. Sinh năm 1988, sau khi tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Đà Lạt, anh K’Giang về làm việc tại Ban Dân vận Huyện ủy Đạ Tẻh. Sau đó, anh tiếp tục đi học theo Đề án đưa tri thức trẻ về vùng sâu của tỉnh. Hoàn thành khóa học, từ năm 2014, anh về làm việc tại UBND xã Mỹ Đức và vừa được bầu làm Bí thư Đoàn xã. Ông Hoàng Văn Thám, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức nhận xét: “Thời gian đầu, K’Giang gặp nhiều khó khăn trong công tác Đoàn do nhiều thanh niên không chịu hợp tác. Thế nhưng, với sự nhiệt huyết và năng nổ, K’Giang đã triển khai có hiệu quả nhiều phong trào và được thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ủng hộ. K’Giang đã thực sự làm tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên. Riêng đối với chương trình Thắp sáng ước mơ, sau hơn 2 tháng triển khai đến địa bàn buôn Con Ó, mỗi đêm có khoảng 7 đến 10 cháu được kèm cặp và đã có 79 đèn bàn được trao tặng để các em làm góc học tập. Sự thay đổi lớn lao nhất từ khi chương trình này được triển khai là bố mẹ các em đã quan tâm hơn đến việc học của con cái và bản thân các em đã có ý thức tự học, tự chuẩn bị bài vở ở nhà. Tuần vừa rồi, khi chúng tôi đến kiểm tra thì đã không còn tình trạng bố mẹ ăn uống một bên hoặc xem tivi, hát hò còn con cái thì học một bên hoặc chẳng cần học. Từ 7 đến 9 giờ tối, bố mẹ các em đã ý thức dành không gian cho con học tập”.
Buôn Con Ó có 146 hộ với 561 nhân khẩu. Đến nay, đã có khoảng 75 em học sinh tiểu học được kèm cặp tại nhà. Theo anh K’Giang, con số này sẽ tiếp tục tăng vì có nhiều phụ huynh muốn con em mình cũng được kèm. “Bản thân chúng tôi muốn duy trì việc dạy kèm cho các em tại nhà một cách lâu dài, để không còn tình trạng học sinh học yếu kém phải bỏ học giữa chừng. Nguyện vọng của nhiều phụ huynh là có lớp được tổ chức tại hội trường thôn vào buổi tối để nhiều em được học hơn. Việc này chúng tôi đã đề xuất với chính quyền địa phương để xem xét. Nếu đủ điều kiện, chúng tôi sẽ mở lớp trong thời gian tới” - anh K’Giang cho biết thêm.
Chương trình Thắp sáng ước mơ do Đội An ninh Công an huyện Đạ Tẻh thực hiện tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các thôn, buôn như Đạ Nha, Con Ó, Tôn K’Long, Tố Lan. Sau 3 năm, đã có 412 em học sinh được tặng đèn bàn, 153 em được tặng bàn học, 80 em được tặng giày ba ta; tặng gần 2.000 cuốn vở, 40 cặp học sinh và gần 300 m dây điện được kéo lắp cho gia đình các em. Theo Trung tá Nguyễn Cường, Đội trưởng Đội An ninh Công an Đạ Tẻh, qua hoạt động này đã làm cho các em có hứng thú để học tập tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của các bậc phụ huynh đối với việc học của con em, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ cao đối với lực lượng công an huyện. Đến nay, cách làm đã có sự thay đổi khi lực lượng chủ lực để triển khai thực hiện mô hình này là các ban, ngành, đoàn thể của xã và lãnh đạo các thôn, buôn. Về phía lực lượng công an chỉ có 2 đồng chí phụ trách một buôn. Qua khảo sát học kỳ 1 (năm học 2017-2018), tỷ lệ duy trì sỹ số đến lớp của học sinh đạt trên 98%, năng lực học tập đạt chiếm tỷ lệ 97% đối với bậc tiểu học và trên 85% đối với bậc trung học cơ sở.
Nguồn: baolamdong.vn, ngày 8/12/2017