Thứ Bảy, 23/11/2024
Người dân tộc thiểu số có uy tín tỉnh Bắc Giang: Nêu gương làm giàu
 
 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trò chuyện với người uy tín tỉnh Bắc Giang

Nhiều cách làm giàu

Nhiều năm đi làm thuê, cuốc mướn, phụ hồ, ông Tạ Văn Tu (SN 1966), dân tộc Hoa, thôn Cá 3, xã Tân Quang (Lục Ngạn) vẫn không đủ ăn. Năm 1990, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông thấy người thân ở tỉnh Hưng Yên trồng vải cho thu nhập cao nên quyết định sang học tập kinh nghiệm. Trở về, gia đình cải tạo hơn 1 ha vườn đồi trồng vải thiều. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật nên ba năm sau, cây cho trái ngọt. “Nhìn đồi vải sai trĩu quả, chín đỏ, vợ chồng tôi nhận ra đây chính là lối thoát nghèo của gia đình” - ông Tu chia sẻ. Từ chỗ thiếu ăn nhưng nhờ cây vải mà vợ chồng ông xây được nhà khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi. Đầu năm 2012, UBND xã Tân Quang có kế hoạch dồn điền đổi thửa, chuyển đổi chân ruộng cao sang trồng cây có múi, ông Tu là người đầu tiên trong thôn mạnh dạn đổi ruộng, quy hoạch gần 1 ha đất trồng cam Vinh, bưởi Phúc Trạch. Vụ đầu tiên, gia đình thu hơn 500 triệu đồng. Thấy ông làm vườn hiệu quả, bà con trong thôn đến học hỏi kinh nghiệm, ông tận tình chia sẻ kỹ thuật, hỗ trợ cây giống cho hộ nghèo cùng sản xuất. Từ một vùng quê nghèo, chỉ toàn đất trống đồi trọc, đến nay, nhiều người dân trong thôn khá giả, trung bình mỗi nhà có từ 0,5 đến 1 ha cây ăn quả đã cho thu nhập. Ông Tu trở thành người uy tín trong vùng.

Hiện nay, Lục Ngạn có gần 100 người uy tín, gương mẫu áp dụng khoa học kỹ thuật đưa cây con giống mới vào sản xuất, phát triển kinh tế. Tiêu biểu như mô hình kinh doanh xăng dầu, trồng rừng của ông Diệp Văn Báo, xã Nam Dương; trang trại chăn nuôi tổng hợp VAC của ông Nguyễn Văn Báo, xã Quý Sơn; trồng cây ăn quả có múi của ông Nguyễn Văn Huân, xã Tân Quang. Với kinh nghiệm và kết quả đạt được, người có uy tín trong cộng đồng DTTS, không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn vận động, giúp đỡ bà con cùng tiến bộ. 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS huyện Lục Ngạn giảm gần 2% so với năm trước.

Phát huy lợi thế đất vườn đồi, rừng, nhiều người DTTS ở huyện Yên Thế đã đầu tư trồng keo, bạch đàn, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà. Ông Lăng Văn Liệu (SN 1972) dân tộc Nùng, thôn La Thành, xã Tiến Thắng (Yên Thế) là điển hình. Gia cảnh nghèo khó với xuất phát điểm có 1 ha đồi trọc. Năm  2003, ông Liệu vay mượn tiền, cải tạo đồi trồng keo, bạch đàn, xây dựng 6 dãy chuồng và chăn nuôi gà  2-3 vạn con/năm. Mô hình kinh tế của gia đình ông được nhiều người đến học tập. Tại địa phương, ông Liệu thường xuyên được các hội đoàn thể mời đến nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hội viên. Ông còn giúp đỡ hàng chục hộ nghèo trong xã về vốn, kinh nghiệm sản xuất; đứng ra làm đầu mối tiêu thụ gia cầm. 12 năm qua, ông được người dân và chính quyền địa phương công nhận là người uy tín trong cộng đồng DTTS.

Xây dựng điểm để nêu gương

Người dân tộc thiểu số, có uy tín, nêu gương làm giàu

Người có uy tín trong cộng đồng DTTS được người dân, chính quyền địa phương bình bầu, bà con tin tưởng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến. Hiện toàn tỉnh có hơn 600 người uy tín, trong đó hơn 100 người có mô hình kinh tế cho thu nhập từ 500 đến 1 tỷ đồng trở lên”.


Ông Chu Quý Minh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Ở vùng DTTS, nhận thức của người dân còn hạn chế, tâm lý ngại chuyển đổi nên người uy tín có vai trò quan trọng trong nêu gương, tuyên truyền vận động, giúp đỡ bà con sản xuất. Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ đạo phòng chuyên môn các huyện tập trung tuyên truyền, vận động nêu cao vai trò người uy tín, hỗ trợ đồng bào làm kinh tế. Lấy mô hình kinh tế của người có uy tín làm điểm nêu gương. Toàn tỉnh phấn đấu từ nay đến 2020 xây dựng được 5-10 mô hình cho thu nhập cao do người DTTS làm chủ để nhân rộng. Hằng năm, từ các nguồn vốn Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ hàng nghìn cây, con giống; mở 70-80 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho người DTTS. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm 3-4%.

Tại xã Đan Hội (Lục Nam), năm 2016, người uy tín đóng vai trò quan trọng vận động người dân tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật VietGAP chăm sóc hơn 50 ha nhãn đang cho thu hoạch và đưa giống mới cho năng suất cao vào trồng thay thế diện tích già cỗi, năng suất thấp. Sau một năm áp dụng, nhãn cho hiệu quả kinh tế cao hơn, người uy tín tuyên truyền nhân rộng lên 90 ha. Ở xã Tiến Thắng, bà con quen với lối canh tác truyền thống khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều lần, UBND xã lên kế hoạch hình thành vùng sản xuất rau màu tập trung nhưng không thành công. Năm ngoái, Ban Dân tộc tỉnh thực hiện mô hình trồng dưa chuột tập trung theo hướng an toàn. Người có uy tín cùng ban lãnh đạo thôn, bản nêu gương đưa giống mới vào sản xuất và đến từng nhà người dân thuyết phục. Xã đã có vùng canh tác dưa chuột rộng 30 ha mang lại thu nhập cao. Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục hỗ trợ hơn 100 hộ dân xã Đan Hội (Lục Nam), Tiến Thắng (Yên Thế) áp dụng quy trình VietGAP vào chăm sóc dưa chuột, nhãn.

Ông Chu Quý Minh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, một bộ phận người dân tộc có trình độ nhận thức hạn chế, khó thay đổi thói quen sản xuất. Vì vậy, người uy tín đóng vai trò lớn giúp thay đổi cách nghĩ, làm của người dân. Ban Dân tộc tỉnh sẽ thực hiện tốt các chính sách, định kỳ gặp mặt, động viên khích lệ người uy tín nêu gương trong cộng đồng, nhằm lan tỏa mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để làm giàu bền vững./.

Nguồn: baobacgiang.com.vn, ngày 21/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi