Thứ Ba, 24/12/2024
Những người “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”

Thích lo việc làng 

Theo sự giới thiệu của lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi đến gặp ông Nông Văn Hả, thôn Đồng Cột, xã Bình Xa (Hàm Yên, Tuyên Quang). Ở tuổi 64, người đàn ông dân tộc Dao vẫn này cường tráng như thanh niên. Giọng trầm ấm, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện vận động xóm làng chung sức xây dựng công trình cộng đồng. Ông Hả kể, trong những ngày đầu, ông cùng các đồng chí lãnh đạo thôn đi vận động, có người đồng tình, nhưng cũng không ít người chưa thông. Ông và các đồng chí lãnh đạo thôn “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” vận động. Mưa dầm thấm lâu, chủ trương đúng, bà con cũng nghe theo. Đến nay thôn đã làm được 2.400 m đường bê tông nông thôn, 1.600 m đường giao thông nội đồng, xây dựng xong nhà văn hóa... Đồng Cột là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Bình Xa. 


 Ông Chu Tuần Ngân (thứ 2 bên phải), thôn Bản Pình, xã Trung Minh (Yên Sơn)
giải nghĩa sách cổ viết về văn hóa dân tộc Dao cho người dân trong thôn

Năm 2015, thấy các tuyến đường trong thôn vào buổi tối rất khó đi, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, ông đã nghĩ ra phương án xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê” và vận động nhân dân chung sức xây dựng. Do đã thấy lợi ích từ những công trình cộng đồng nên khi triển khai, bà con đồng tình hưởng ứng rất cao. Trung bình mỗi hộ đóng góp hơn 100 nghìn đồng và ngày công. Chưa đầy 2 tuần, công trình có chiều dài hơn 1.300 m, tổng số tiền hơn 12 triệu đồng đã được hoàn thiện. Năm 2016, khi xã có chủ trương xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê” thì thôn của ông đã có công trình. Từ ngày đường quê được thắp sáng, người dân đi lại thuận tiện, an ninh trật tự được đảm bảo. Ông Hả bảo: “Nhiều khi mải lo việc làng hơn việc nhà, tôi cũng bị vợ nhắc nhở. Tuy bà nhà tôi nói thế, nhưng trong lòng ủng hộ tôi lắm. Có lần đi vận động bà con, trên đường về bị dính mưa, cảm, thay vì cằn nhằn, bà tất bật nấu cháo, lấy lá xông hơi giải cảm. Khỏi ốm, mình lại đi lo việc làng, bà chẳng nói gì chỉ nhìn theo cười”.

Chúng tôi đến nhà Bí thư Chi bộ Thào A Chinh, người có uy tín ở thôn Nà Pin, xã Đà Vị (Na Hang). Ông Chinh chia sẻ, ngày trước người Mông ở Nà Pin đã biết trồng ngô, trồng lúa trên nương, nhưng diện tích chỉ hơn 2 ha, kỹ thuật kém, lại chỉ trồng giống ngô, lúa truyền thống nên năng suất rất thấp. Đến mùa thu hoạch, bà con treo ngô trên gác bếp để khô làm mèn mén ăn dần. Nghe theo lời vận động của ông, bà con đã đổi mới tập quán canh tác, toàn thôn đã có 8,2 ha ruộng, nương trồng lúa lai và ngô lai. Khi ngô được thu hoạch, bà con đã biết tách hạt để bán. Ngô lúa được mùa, 1 vụ thu hoạch nhiều hộ gia đình đã mua được cả xe máy, sắm được ti vi đắt tiền, quan tâm chăm lo việc học của con em mình. Đến nay, Nà Pin cũng là thôn dẫn đầu xã Đà Vị về số lượng đàn trâu, bò với 30 con bò, 200 con trâu… Vận động người dân thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, năm 2011, ông tiên phong mua máy cày về làm, rồi sau đó hướng dẫn bà con làm theo. Đến nay, thôn đã có 7 chiếc máy cày, bừa, 6 chiếc máy tuốt lúa.

Chung sức kiến thiết xóm làng

Ông Âu Thế Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 1.241 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nam 1.124 người, nữ 117 người. Tại lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2016, tỉnh ta có 34 người được vinh danh. Trong đó người nhiều tuổi nhất là ông Trần Mạnh Phúc, 74 tuổi, dân tộc Sán Chay, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) và người ít tuổi nhất là chị Bàn Thị Mẩy, 28 tuổi, dân tộc Dao, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa). Những năm qua, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đóng góp tích cực trong vận động nhân dân chung sức kiến thiết xóm làng.


 Ông Thào A Chinh, Bí thư Chi bộ thôn Nà Pin, xã Đà Vị (Na Hang)
hướng dẫn người dân chăm sóc gia súc

Từng qua nhiều việc, chức vụ, từ công tác Đoàn, Ban CHQS xã, rồi Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Trung Minh (Yên Sơn), ông Chu Tuần Ngân, dân tộc Dao ở thôn Bản Pình là người nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên khi ông vận động nhân dân luôn nghe theo. Năm 2010 ông Ngân nghỉ hưu, nhưng vẫn luôn nhiệt huyết với công việc xóm làng. Vận động người dân không phá rừng làm nương rẫy, tham gia trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ nước đầu nguồn, ông Ngân cùng nhiều cán bộ tư pháp thường xuyên sử dụng hình ảnh minh họa, tờ rơi để tuyên truyền, phân tích kiến thức pháp luật giúp bà con nắm thông tin nhanh hơn, dễ hiểu và dễ nhớ hơn.

Giọng ông chậm rãi kể với chúng tôi rằng: Có nhiều hộ gia đình trước đây chưa hiểu chuyện, nói cũng không nghe. Vì vậy, ông đến từng nhà tỉ tê, thuyết phục từng người. Nhiều hộ gia đình, chồng đã gật đầu đồng ý nhưng mấy hôm sau lại thay đổi vì vợ không đồng ý, thế là cán bộ lại phải vận động thuyết phục, giải thích cho vợ thông suốt. Nghe theo sự vận động của ông, đến nay ở Trung Minh, tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy đã giảm. Toàn xã đã có 9/9 thôn xây dựng được mô hình dòng họ học tập. Trong nhà có người ốm, người dân đã biết đưa đến bệnh viện khám.

Với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, hơn 25 năm qua, ông Ngân đã miệt mài nghiên cứu, sưu tầm các nghi lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ cúng tổ tiên, lễ cúng trong các đám ma, đám cưới của dân tộc Dao… Đồng thời, truyền dạy các bài hát Páo dung và lễ cấp sắc, lễ cầu mùa cho thế hệ trẻ trong xã. Năm 2013, ông Ngân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông là người khởi sướng, tham mưu với chính quyền xã Trung Minh thành lập 3 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn xã. Mới đây, ông vinh dự được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2018 trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. 

Trong số hơn 1.000 người có uy tín trên địa bàn tỉnh, chị Bàn Thị Mẩy, thôn Nầu 1, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) là một trong những người trẻ tuổi nhất. Gặp chị, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về người phụ nữ mới 28 tuổi là cách nói chuyện khá già dặn. Ở Hùng Mỹ, người già, người trẻ tôn trọng Mẩy bởi tinh thần dám nghĩ, dám làm vì cộng đồng.

Người già ở thôn Nầu 1 kể lại chuyện Mẩy vận động 13 hộ dân tự nguyện đóng góp tiền tự mở đường vào xóm Khuổi Nò với giọng đầy khâm phục. Xóm Khuổi Nò thộc thôn Nầu 1, đã có từ rất lâu rồi. Cả xóm có 13 hộ dân người Dao sinh sống. Đường vào thôn chỉ duy nhất là con đường mòn rộng khoảng 0,5 m. Thấy được nỗi khổ của người dân trong xóm, nhất là cảnh phải cõng con đến trường trong những ngày mưa vì đường trơn trượt sợ bọn trẻ lao xuống vực thì khổ, chị Mẩy vận động các hộ dân góp tiền mở đường. Trung bình mỗi hộ đóng 3 triệu đồng, còn lại chị vận động thêm bà con xóm ngoài cùng các tổ chức cá nhân hảo tâm. Năm 2016, con đường vào xóm dài 1,2 km đã được mở, ô tô có thể đi vào thuận tiện.

Chị Mẩy chia sẻ, trong số 13 hộ dân của xóm thì có 9 hộ nghèo, nhưng khi góp tiền và ngày công họ đồng lòng rất cao. Mẩy trăn trở: “Tuy con đường vào thôn đã được mở nhưng còn là đường đất, ngày mưa đi vẫn ngại lắm. Mẩy và dân xóm mong muốn năm tới được Nhà nước hỗ trợ xi măng, dân xóm sẽ đóng góp ngày công và cát sỏi. Nếu có được con đường bê tông kiên cố thì dân bản mừng lắm”.

Có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất, những người uy tín trên địa bàn tỉnh đang là những “cánh tay” nối dài đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần với quần chúng nhân dân; huy động, tập hợp quần chúng xây dựng bản làng, quê hương ngày thêm bừng sáng./.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 8/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi