Thứ Sáu, 17/5/2024
Đắk Nông chú trọng phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số
 

Một buổi sinh hoạt chi bộ ở xã vùng sâu của Đắk Nông. Ảnh: Báo Đắk Nông 

Ngay từ khi tái lập tỉnh, công tác phát triển đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn, bon, bản đã được Tỉnh ủy quan tâm và luôn xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Tỉnh ủy nhận thấy, tổ chức đảng ở các buôn, bon có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành nghị quyết về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng thôn, buôn, bon, tổ dân phố vững mạnh toàn diện, trọng tâm là thực hiện cuộc vận động, xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Sau một thời gian thực hiện nghị quyết trên, Tỉnh ủy Đắk Nông đã tiếp tục ban hành một nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đây, công tác phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số tại chỗ đã có những chuyển biến rõ nét. Theo thống kê, năm 2004, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông có trên 1 nghìn đảng viên dân tộc thiểu số, đến nay, toàn Đảng bộ đã có 3.447 đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Việc phát triển đảng viên nói chung và đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng không tách rời khỏi những tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Do đó, đến nay, đội ngũ đảng viên người dân tộc thiểu số đều cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất, trình độ văn hóa, lối sống và tất cả các quy định của người đảng viên. Nhiều đảng viên dân tộc thiểu số đã được giao những chức vụ quan trọng trong Đảng, cơ quan chính quyền.

Những năm gần đây, việc phát triển đảng viên dân tộc thiểu số được quan tâm nhiều hơn về trình độ học vấn. Tỷ lệ đảng viên dân tộc thiểu số có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên ngày càng nhiều. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên cũng được chú trọng nhằm phát huy vai trò, cọ xát thực tiễn, từng bước nâng cao về chất lượng. Mỗi đảng viên, dù là người Kinh hay dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt đều được chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng, đảng viên được đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhìn nhận cái gì làm được, cái gì chưa, tìm ra nguyên nhân để từng bước tháo gỡ. Việc này cũng giúp chi bộ nắm bắt được việc phân công nhiệm vụ của đảng viên có phù hợp không, việc giao đó quá khó hay quá dễ để có sự điều chỉnh hợp lý.

Theo ông Trần Duy Thọ, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông, sự phát triển về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số đã góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Đây chính là những nhân tố quan trọng, là đầu mối để chuyển tải tất cả những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết những đảng viên người dân tộc thiểu số đều là những tuyên truyền viên tích cực để vận động thêm nhiều quần chúng ưu tú khác trở thành đảng viên của Đảng.

 Để làm tốt công tác phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông trong những năm tới, tỉnh Đắk Nông đã đề ra những mục tiêu và giải pháp thiết thực, đó là các tổ chức cơ sở đảng cần tiến hành khảo sát số lượng, chất lượng quần chúng ưu tú để xây dựng kế hoạch về công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên nói chung, chú trọng người dân tộc thiểu số.

Cấp ủy cơ sở cần phân công cấp ủy viên hoặc những đảng viên chính thức có kinh nghiệm trong công tác đảng, am hiểu về vấn đề dân tộc, có uy tín với đồng bào dân tộc thiểu số về sinh hoạt tại địa bàn để xây dựng nòng cốt. Cấp ủy các cấp chỉ đạo các trung tâm bồi dưỡng chính trị đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với những quần chúng là người dân tộc thiểu số như mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng tại cơ sở, coi đây là một giải pháp để tạo nguồn và nâng cao chất lượng nguồn kết nạp đảng viên.

Các tổ chức cơ sở đảng xây dựng các nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc, các chương trình hoạt động, phong trào quần chúng phối hợp chung với các tổ chức đoàn thể, tôn giáo. Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy các cấp thường xuyên đánh giá thực hiện công tác phát triển Đảng, nhất là đối với người dân tộc thiểu số để thấy rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, qua đó rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp có hiệu quả, đúng hướng.

Đồng thời, tất cả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ cho sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số phải được thực hiện một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Bởi đây chính là thực tiễn để bà con dân tộc thiểu số hiểu được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện, dành mọi nguồn ưu tiên để giúp họ có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Các địa phương cần tập trung hướng dẫn, khảo sát một cách kỹ càng điều kiện, đời sống của từng gia đình, nguyên nhân nghèo để có giải pháp giúp đỡ thiết thực. Mỗi địa phương đều có những thế mạnh riêng về cây, con chủ lực. Vì vậy, ngành khuyến nông cần hướng dẫn bà con những loại giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao để sản xuất. Khi kinh tế ổn định, phát triển, bà con sẽ chú trọng hơn đến các hoạt động của địa phương, phấn đấu để có thể đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Theo ông Trần Duy Thọ, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông, một trong những giải pháp tác động tích cực đến công tác phát triển đảng viên nói chung và đảng viên dân tộc thiểu số nói riêng, đó là vai trò nêu gương của người đảng viên. Điều này phải thể hiện rõ qua công việc hàng ngày, trong lối sống, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, nhất là thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Bởi như Bác Hồ đã từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ nhìn vào việc làm của đảng viên để làm theo.../.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 9/10/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất