Thứ Ba, 24/12/2024
Để biên giới mãi là quê hương

9,5km đường biên giới do Đồn BP Sê San bảo vệ, quản lý đều nằm trên dòng sông Sê San. Mùa cạn cũng như mùa nước lũ, dòng sông Sê San đều hiền hòa nhưng đầy sóng ngầm. “Những con sóng ngầm” mà Thượng tá Lê Bật Hải, Chính trị viên Đồn BP Sê San nhắc đến là các thế lực thù địch và bọn phản động lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, móc nối, lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Campuchia để thực hiện mưu đồ đen tối của chúng.

82 hộ ở thôn 8, xã Ia Tơi chủ yếu là công nhân của Công ty cao su Chư Mo Ray, những năm trở lại đây, do hiệu quả kinh doanh thấp, thu nhập cũng giảm theo, vì thế mà cuộc sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng.

Trước tình hình đó, Đồn BP Sê San đã sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp công tác Biên phòng để quản lý, bảo vệ biên giới, trong đó, biện pháp vận động quần chúng và xây dựng khu vực biên giới vững mạnh được đặt lên hàng đầu. Với người dân, những người lính Đồn BP Sê San luôn sẵn sàng chìa đôi vai vốn đã gánh nhiều trách nhiệm để sẻ chia khó khăn với đồng bào. Những câu chuyện giữa những người lính quân hàm xanh với người dân nơi đây nhẹ nhàng, như dòng nước mát trên dòng Sê San cứ chảy mãi không thôi.


 Cán bộ Đồn BP Sê San đến thăm, kiểm tra việc chăm sóc bò của gia đình ông Đồng Văn Hành.​

Đã mấy năm nay, Đồn BP Sê San nhận đỡ đầu cho 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ia Tơi. Mỗi tháng, đơn vị hỗ trợ cho Bùi Thu Anh và Đinh Thị Thùy Trang (Trường THCS xã Ia Tơi) 500 ngàn đồng theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Bên cạnh đó, Đồn BP Sê San cũng duy trì “Hũ gạo tình quân dân” và trích từ quỹ của chi đoàn để xây dựng “Địa chỉ đỏ”. Nhờ đó, hằng tháng, Đinh Thị Thu Ngân, Hà Thị Doanh (phân trường của Trường PTTH huyện Ia H,Drai tại xã Ia Tơi) lại có 300 ngàn đồng thêm tiền mua sách bút. Với nhiều người, số tiền trên không phải là lớn, nhưng với Thu Anh, Thùy Trang, Thu Ngân và Hà Thị Doanh thì số tiền đó là cứu cánh cho các em khi cần đóng tiền học hay mua sách vở mà bố mẹ chưa kiếm được. Trước ngày khai giảng năm nay, Thượng tá Lê Bật Hải cùng cán bộ Đội Vận động quần chúng đã đến tận nhà Đinh Thị Thu Ngân để trao tiền. Để Ngân có điều kiện chuẩn bị tốt hơn cho năm học mới, Thượng tá Lê Bật Hải quyết định sẽ “ứng” trước hỗ trợ 3 tháng cho em.

Hai tháng trước, Đồn BP Sê San đã tách đàn 2 con từ đàn bò của đơn vị để xây dựng ngân hàng bò cho bà con thôn 8. Và gia đình ông Trương Văn Xê,  Đồng Văn Hành đã được lựa chọn, bởi ông Xê và ông Hành đều có đặc điểm chung gia cảnh nghèo khó, các con còn rất nhỏ. Mặc dù đã trên 50 tuổi, nhưng ông Xê mới có 2 con gái là Trương Thị Quyền Trâm, 11 tuổi và Trương Thị Trâm Quyền, 8 tuổi; còn ông Đồng Văn Hành đã 52 tuổi có con Hoàng Đồng Anh, 3 tuổi và Hoàng Đồng Huy mới 2 tuổi. Niềm vui đã được nhân đôi chỉ sau chưa đầy 2 tháng nhận bò, con bò cái ông Xê, ông Hành nhận nuôi đã sinh ra 2 bê con. Và, càng vui hơn nữa khi 2 bê con đều là bê cái.

Ông Trương Văn Xê cho biết: Tôi rời quê nhà Tây Yên, An Biên, Kiên Giang đến đây với mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, cuộc sống rất khó khăn, muốn thay đổi nhưng lực bất tòng tâm. Nhờ các anh BĐBP, giúp chúng tôi có có hội để vươn lên. Khi bê con cứng cáp, bò mẹ sẽ được chuyển cho gia đình khác, như vậy sẽ có thêm người khó khăn như tôi được giúp đỡ.

Thượng tá Lê Bật Hải chia sẻ: Chúng tôi không lựa chọn hình thức tặng bò mà quyết định chọn cách “tặng đồng bào chiếc cần câu”. Việc nhận bò nuôi luôn phiên sẽ giúp bà con ý thức, trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc bò. Và tất nhiên, nhiều người nghèo trên địa bàn được hưởng lợi.

Đó là đối với người dân, còn đối với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, chúng tôi cũng xác định, không phải cái gì cũng vận động anh em đóng góp từ đồng lương ít ỏi của mình. Phải làm thế nào để anh em vẫn đóng góp được vì việc chung mà không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Bởi cũng có không ít cán bộ, chiến sĩ gia đình ở xa, hoàn cảnh khó khăn.

Để giải “bài toán” đó, chúng tôi  đẩy mạnh tăng gia sản xuất để khi có việc thì trích từ quỹ tăng gia. Mặc dù thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nhưng đơn vị vẫn đảm bảo tự túc 100% rau xanh. Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng chăm sóc đàn bò, heo, gia cầm các loại trên 250 con. Việc duy trì 10ha sắn, gần 1ha ao cá cũng cho thu nhập không nhỏ. Nhờ vậy, các hoạt động hỗ trợ cho bà con nghèo chủ yếu là trích vốn quỹ đơn vị và vận động mạnh thường quân.

 Trước khi rời Ia Tơi, chúng tôi được nghe về câu chuyện như nốt thăng trong bản nhạc tình quân dân biên giới nơi đây. Thượng úy A Hiên, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn BP Sê San quê ở huyện Tu Mơ Rông và cô gái Nguyễn Thị Thêu, dân tộc Sán Dìu từ Thái Nguyên vào Ia Tơi lập nghiệp đã được mảnh đất biên giới này kết nối với nhau. Năm 2016, vợ chồng Thượng úy A Hiên đón nhận con đầu lòng A Quốc Huy. Năm 2017, Thượng úy A Hiên chuyển công tác và tất nhiên thời gian nghỉ tranh thủ, nghỉ phép của anh giờ đây sẽ là Ia Tơi, nơi có vợ và con của anh đang chờ. Ia Tơi đã thực sự trở thành quê hương của tất cả mọi người./.

Nguồn: bienphong.com.vn, ngày 23/9/2017​


 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi