Thời gian qua, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách dân tộc, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội. Từ 3 bản đặc biệt khó khăn (năm 2016) đến nay, Thành phố chỉ còn 1 bản đặc biệt khó khăn.
|
Tuyến đường giao thông bản Hay Phiêng, phường Chiềng Sinh (Thành phố) được bê tông hóa |
Thành phố Sơn La hiện có 170 tổ, bản, tiểu khu, 23.083 hộ với 94.873 nhân khẩu; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 52% với 11.789 hộ, 50.667 khẩu. Năm 2016, Thành phố còn 3 bản đặc biệt khó khăn là bản Nặm Tròn (xã Chiềng Ngần), bản Lốm Tòng (xã Chiềng Đen) và bản Hay Phiêng (phường Chiềng Sinh). Để đạt mục tiêu không còn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn, những năm qua, cùng với công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Thành phố luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc như: Chương trình 135, Quyết định 102, Quyết định 18 của Chính phủ để giúp đỡ hỗ trợ các bản đặc biệt khó khăn, đầu tư xây dựng đường bê tông, hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt, xây dựng nhà văn hóa, lớp học; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; hỗ trợ cây giống, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, Thành phố còn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các xã có bản đặc biệt khó khăn chú trọng thực hiện chính sách đào tạo nghề cho 275 lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số; thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 4.108 người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân 2%/năm; 100% các xã có nhà văn hóa, trạm y tế được xây dựng kiên cố; 85% số bản có đường ô tô đến trung tâm, 95% trung tâm xã và bản có điện lưới quốc gia.
Tìm hiểu tại bản Nặm Tròn (xã Chiềng Ngần) được biết, bản hiện có 98% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trước đây, 100% hộ gia đình đều thuộc diện hộ nghèo. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án, đời sống vật chất của nhân dân bản Nặm Tròn đã từng bước được cải thiện. Bản đã có đường bê tông, điện thắp sáng, 100% hộ gia đình được xem truyền hình, sử dụng hệ thống cấp nước sinh hoạt. Hiện nay, bản Nặm Tròn đang tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thâm canh ngô, đặc biệt là một số hộ đã tiến hành cải tạo vườn tạp, phát triển cây nhãn ghép.
Còn bản Lốm Tòng (xã Chiềng Đen) có 30 hộ với hơn 130 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái, thu nhập của bà con nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Thời gian qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của Thành phố, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt. Tuyến đường giao thông vào bản có chiều dài gần 4,5 km đã được kiên cố hóa, hệ thống lưới điện, nước sinh hoạt được đầu tư, các công trình vệ sinh đạt yêu cầu... Thu nhập bình quân đạt 1,6 triệu đồng/người/tháng, 100% hộ gia đình có xe máy và các phương tiện nghe nhìn.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, 2 bản đặc biệt khó khăn của Thành phố đã thoát nghèo. Hiện, trên địa bàn Thành phố chỉ còn bản Hay Phiêng (phường Chiềng Sinh) là bản đặc biệt khó khăn. Bản có 17 hộ, 84 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 98%. Thu nhập của bà con nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 75%. Do trình độ dân trí thấp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, sản phẩm hàng hoá ít, chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị kinh tế không cao. Hơn nữa, với địa hình đồi núi có độ dốc lớn, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, diện tích đất canh tác phân tán nên rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất tập trung. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách dân tộc, đời sống vật chất của người dân nơi đây từng bước được cải thiện. Hiện nay, việc đi lại của nhân dân đã thuận lợi hơn, có đường bê tông vào tận bản, điện thắp sáng được kéo về từng nhà, 100% hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; các hộ nghèo đều được hỗ trợ téc chứa nước, hỗ trợ mua sắm máy móc, công cụ sản xuất (máy nghiền ngô và máy băm rau). Nhờ vậy, bà con trong bản đã từng bước chuyển hướng sản xuất gắn với những sản phẩm đặc sản của địa phương như nuôi dê sinh sản, thâm canh cà phê, mận hậu. Đến nay, thu nhập bình quân tại bản đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Bà Tòng Thị Hoa, Trưởng phòng Dân tộc Thành phố, cho biết: Các chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh trật tự. Vì vậy, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các xã, phường trên địa bàn.
Với sự đầu tư của Nhà nước, sự giúp đỡ của các ban, ngành đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở, các bản đặc biệt khó khăn của Thành phố đã có sự thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên./.
Nguồn: baosonla.org.vn, ngày 19/9/2019