Thứ Bảy, 23/11/2024
Giúp đồng bào biết cách làm ăn, thoát nghèo ở Gia Nghĩa - Đăk Nông

Cả chục năm qua, gia đình chị H’Noét thuộc diện hộ nghèo, nguyên nhân chủ yếu là do không biết cách làm ăn. Gia đình có hơn 1 ha đất trồng điều, nhưng nhiều năm trước do không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên không đạt hiệu quả. Mấy năm nay, gia đình được các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng, nên đã thay đổi tư duy, trồng cà phê xen vào vườn điều, đem lại hiệu quả rõ rệt.


 Chị H’ Noét ở Tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa, Đăk Nông)
 thoát nghèo nhờ biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc cây cà phê

Chị H’Noét chia sẻ: “Từ bao nhiêu năm, kinh tế của cả gia đình phụ thuộc vào cây điều. Từ khi được tham gia tập huấn, gia đình tôi đã mạnh dạn áp dụng, trồng thêm 700 cây cà phê và thấy hiệu quả hơn rất nhiều. Hiện tại, ngoài mỗi năm thu hoạch được 1 tạ hạt điều, gia đình còn thu hơn 1 tấn cà phê nhân. Vì vậy, cuộc sống của gia đình được nâng lên, năm 2016 vừa rồi đã thoát nghèo. Gia đình đã có nhà xây và tích góp mua được máy tưới nước trị giá 13 triệu đồng”.

Gia đình anh K’Song có 6 người con và cũng thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền, nhưng năm 2016 đã thoát nghèo. Theo anh K’Song, trước đây do sinh đông con nên cuộc sống của gia đình luôn thiếu ăn, thiếu mặc. Mấy năm nay, gia đình được các cấp chính quyền, đoàn thể tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn nên cuộc sống được nâng lên. Trên diện tích 1 ha đất trồng điều trước đây, nay được gia đình trồng thêm cà phê, thu nhập mỗi năm cũng khoảng 30 triệu đồng. Các con đã lớn nên vợ chồng anh còn đi làm công cho các gia đình xung quanh để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và mua phân bón chăm sóc cây trồng để tăng năng suất.

Tổ dân phố 5 hiện có 150 hộ dân; trong đó có 80 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do dân trí chưa cao, chưa biết cách làm ăn nên trước đây, đa số các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Điều đáng mừng, đầu năm 2016, tổ dân phố 5 có 41 hộ nghèo, đều là hộ dân tộc thiểu số, nhưng đến cuối năm giảm được 20 hộ.

Nói về giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, bà H’Kuit, Tổ phó Tổ dân phố 5 cho biết: Thời gian qua, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số của tổ dân phố thường thoát nghèo không bền vững, năm trước thoát nghèo thì năm sau có thể lại tái nghèo. Đa số các hộ dân đều có đất đai để trồng trọt, nhưng vẫn nghèo vì không biết cách trồng trọt, chăn nuôi. Trước thực tế này, tổ dân phố đã đẩy mạnh tuyên truyền về cách làm ăn và các kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ dân. Hiện nay, các hộ đã thoát nghèo phần lớn là nhờ áp dụng kỹ thuật, biết chuyển đổi cây trồng để tăng năng suất. Bà con sinh đông con được tuyên truyền, vận động nên nhiều hộ đã biết thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Các gia đình trẻ cũng được tư vấn về cách làm ăn, biết chi tiêu tiết kiệm, để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững và có điều kiện vươn lên.

Chỉ là chuyện ở một tổ dân phố có những cách làm hay trong việc giúp đồng bào thoát nghèo. Nhưng điều đáng nói là đằng sau đó còn thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể cũng như sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình. Đồng bào đã biết thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, giảm dần sự trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước./.

Nguồn: baodaknong.org.vn, ngày 7/9/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất