Thứ Tư, 25/12/2024
Khởi sắc nuôi tằm vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng
 

 Nuôi tằm đang được hướng đến trở thành ngành nghề mới tạo thu nhập cao cho bà con DTTS
Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, cộng thêm lượng phù sa màu mỡ của vùng đất bồi ven dòng Krông Nô, lâu nay người dân vùng Đầm Ròn đã quen trồng 2 vụ bắp mỗi năm. Tuy nhiên, với thời gian canh tác kéo dài đến 6 tháng/vụ, nên hầu như thu nhập đem lại từ cây bắp không thể đảm bảo cho cuộc sống người dân ở đây được ấm no. 
 
Đối với người đồng bào DTTS ở Đam Rông, dâu tằm là loại cây còn rất mới mẻ. Chính vì thế, từ khi có chủ trương, đến việc đưa các mô hình vào thực tế, việc vận động người dân đưa vào trồng, là cả một quá trình dài gặp nhiều khó khăn. Bởi, tập quán canh tác của người DTTS, và suy nghĩ hạt lúa, hạt ngô mới là yếu tố quyết định cuộc sống.  Đó là những thực tế tại Đam Rông mà ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện nhìn nhận.
 
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, trong 5 năm qua, huyện chủ trương khuyến khích phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm, chủ yếu trồng ven trên diện tích vườn rẫy, bãi bồi, sông suối, đến nay tổng diện tích trồng dâu toàn huyện đạt 185 ha, tăng 4,78%/năm; chú trọng chuyển đổi giống dâu địa phương năng suất thấp sang trồng các giống có khả năng chịu hạn, tái sinh mạnh, siêu cành siêu lá (như S7-CV, VA201;...), đến nay năng suất dâu tằm đạt 150 tạ/ha, tăng 2,22%/năm, sản lượng kén tằm đạt 210 tấn, tăng 16,65%/năm.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và từng bước tạo ngành nghề mới cho bà con DTTS, nâng cao đời sống các hộ dân, từ nguồn vốn Chương trình 30a, huyện Đam Rông đã xây dựng 5 mô hình ở xã Đạ M’Rông và 4 mô hình ở xã Đạ Tông. 

 
Đặc biệt, để mô hình có được hiệu quả, huyện đã để cán bộ, đảng viên, người có uy tín tại địa phương thực hiện làm gương. Trưởng thôn, cán bộ mặt trận thôn, Chủ tịch hội đồng giáo xứ…  là những người đã đi đầu thực hiện phong trào và cùng vận động bà con tham gia. Hàng tuần đều có cán bộ kỹ thuật của Phòng NN&PTNT hoặc Trung tâm Nông nghiệp huyện vào kiểm tra để kịp thời hỗ trợ cho bà con, tháo gỡ những vướng mắc.
 
Từ các mô hình ban đầu, đến nay diện tích dâu tằm của 2 xã là khoảng 8 ha, với 30 hộ đã triển khai trồng dâu và 10 hộ đang nuôi tằm bán kén. 
 
Ghé thăm gia đình ông NDu Ha Thương ở thôn Tu La, xã Đạ M’Rông, đã 2 năm kể từ ngày ông bắt đầu trồng dâu, nuôi tằm. Ông là hộ gia đình thứ 2 ở Đạ M’Rông mạnh dạn phá bỏ gần 2 sào bắp để chuyển sang trồng dâu và dựng nhà nuôi tằm bằng né tre. Ông cho biết, cứ sau khoảng 15 ngày thì tằm cho thu kén 1 lần.  Theo ông Ha Thương, nuôi tằm vất vả hơn trồng lúa, bắp vì mình phải chăm sóc, kiểm tra hằng ngày. Nhưng những công việc như hái dâu, vệ sinh nhà nuôi đều có thể tận dụng thời gian rảnh của các thành viên trong gia đình. Lá dâu, kén tằm đều được các thương lái ở xã Đạ Rsal thu mua đều đặn nên ông và gia đình hoàn toàn yên tâm. Với giá khoảng 110 - 120 ngàn đồng/kg kén, tháng tính ra gia đình ông thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng, so với trước đây chỉ thu từ 5 - 6 triệu đồng/vụ bắp. 
 
Ông Đa Cát KRêm - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông cho biết, địa phương cùng với Phòng NN&PTNT đã đưa dâu tằm vào giới thiệu với bà con từ giai đoạn 2013-2014 nhưng chưa thể thực hiện vì người dân chưa mặn mà, chưa dám mạnh dạn để làm theo. Mãi đến cuối năm 2015, đầu 2016 mới thực hiện được. Thời điểm đầu tiên đưa vào giới thiệu, bà con gần như không có bất kỳ phản hồi nào. Vậy nên xã chủ trương xây dựng những mô hình đầu tiên, có được hiệu quả thực tiễn, cùng so sánh, phân tích cho bà con thấy được giá trị của cây dâu tằm, rồi trực tiếp cử cán bộ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng dâu thu hoạch lá, sau cùng là đưa vào nuôi tằm.
 
“Quá trình vận động để bà con hiểu và chấp nhận chuyển sang trồng một loại cây mới gặp rất nhiều khó khăn. Xác định mục tiêu lâu dài nên xã cũng tiến hành vận động bà con chuyển đổi từ từ, trên diện tích nhỏ trước. Với quy mô không nhiều, chỉ từ 1 - 5 sào/hộ nhưng đã cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần mà trồng bắp như trước đây không thể so sánh được. Theo ước tính vào cuối năm nay, diện tích dâu sẽ đạt khoảng 11 ha, đời sống của người dân sẽ được cải thiện”, ông KRêm khẳng định./.

Nguồn: baolamdong.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi