Mục tiêu phát triển bền vững vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay đang chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ phát triển sản xuất để thoát nghèo và tập trung vào phát huy chính nội lực của người dân. Trong đó, hỗ trợ thanh niên miền núi, dân tộc thiểu số (DTTS) khởi nghiệp được khuyến khích nhằm tạo động lực để giảm nghèo bền vững.
Vượt khó khởi nghiệp thành công
Năm 2013, sau khi tích góp được một ít vốn, Lỷ A Tài, thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh cùng một người em chung vốn khởi nghiệp bằng mô hình nuôi dúi. Họ đã xây dựng chuồng, mua giống, nhưng mô hình này đã thất bại vì ảnh hưởng của thời tiết. Không nản chí, Lỷ A Tài tiếp tục chuyển sang trồng quế và keo. Thấy trên đồi quế, keo có nhiều cỏ dại, thường xuyên phải thuê người phát cỏ, A Tài đã nghĩ đến việc nuôi bò sinh sản. Anh Lỷ A Tài cho biết: “Năm 2015, tôi đã lập dự án phát triển sản xuất và được Ngân hàng Chính sách xã hội Đầm Hà cho vay 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, tôi mua 5 con bò cái và 1 bò đực để triển khai mô hình nuôi bò sinh sản. Song song với chăn thả trên rừng, gia đình tôi trồng 300m2 cỏ loại VA06 để cho bò ăn. Cuối năm 2016, đàn bò 6 con đã nâng lên 12 con. Đầu năm 2017, gia đình tôi bán được 3 con bê trị giá 49 triệu đồng”.
|
Anh La A Nồng, thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu - một tấm gương thanh niên DTTS
khởi nghiệp thành công từ sản xuất miến dong Bình Liêu, Quảng Ninh
|
Còn tại Đồng Sơn, một trong 3 xã ĐBKK của huyện Hoành Bồ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về Lý Sinh Tân, một thanh niên dân tộc Dao, mới 24 tuổi nhưng đã được bầu giữ chức bí thư chi bộ, trưởng thôn Phủ Liễn. Không chỉ năng nổ trong công tác, Lý Sinh Tân còn là một thanh niên mạnh dạn trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ khai hoang được gần 1ha đất đồi rừng, Tân khởi nghiệp bằng mô hình trồng cam. Hiện vườn của Tân đang trồng 500 gốc cam Vinh và trồng thử nghiệm giống cam bản địa, dự kiến thời gian tới sẽ phát triển thêm chăn nuôi và xây dựng vườn mẫu trong năm 2017. “Từ ý tưởng đến triển khai trong thực tế là rất khó khăn vì vốn ít, chúng tôi cũng chỉ vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, còn lại phải xoay xở từ việc bán keo, quế và vay mượn”, Lý Sinh Tân cho biết.
Vốn ít, kinh nghiệm hạn chế, không có người định hướng phát triển và thiếu thị trường sản phẩm, đó là những khó khăn chung của nhiều trường hợp khởi nghiệp, đặc biệt là thanh niên DTTS. Do đó, những người thực sự đam mê, gần như vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Bản thân Lỷ A Tài và Lý Sinh Tân đều phải thường xuyên tự học kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng cam trên mạng internet.
Cần một cú huých về chính sách
Các xã ĐBKK với tỷ lệ đồng bào DTTS cao được xem là vùng “lõi nghèo” của tỉnh. Thống kê theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, tổng số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn 22 xã ĐBKK của tỉnh là gần 9.700 hộ, chiếm 64,57% tổng số hộ dân trên địa bàn các xã. Riêng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43,91%, cao gấp 14 lần tỷ lệ hộ nghèo ở các xã khu vực I. Giảm nghèo bền vững là trăn trở của tỉnh, hiện được tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai Đề án 196 tại các thôn, xã ĐBKK.
Bên cạnh các chính sách giảm nghèo, việc đầu tư cho thanh niên vùng DTTS khởi nghiệp cũng cần được xem là một giải pháp giảm nghèo hữu hiệu. Bởi một thanh niên khởi nghiệp thành công không chỉ giúp hộ đó thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mà còn tạo nhiều công ăn việc làm. Cùng với đó là góp phần bảo tồn văn hoá, phát huy tiềm năng về tài nguyên đất đai, lâm thổ sản địa phương. Điển hình như tấm gương của La A Nồng, sinh năm 1985, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung, thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu - một trong những thanh niên giành được giải thưởng Lương Định Của năm 2016. HTX sản xuất miến dong Bình Liêu của La A Nồng không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn giúp giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương.
Ông Lãnh Thế Vinh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho rằng: “Mặc dù việc triển khai hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ở vùng ĐBKK là rất khó, bởi điều kiện tự nhiên, vốn, môi trường khởi nghiệp và năng lực tiếp cận thị trường đều hạn chế, song đầu tư khởi nghiệp cho đồng bào DTTS là hết sức cần thiết. Đặc biệt là cần đầu tư mạnh cho thế hệ trẻ vùng DTTS khởi nghiệp”. Hiện Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ đã thành lập tổ công tác để kết nối, nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng chính sách khởi nghiệp cho đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng đang nghiên cứu để xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn Quảng Ninh để tới đây có thể hỗ trợ tối đa cho những thanh niên DTTS vùng ĐBKK khởi nghiệp. Đơn cử như tới đây, từ nguồn vốn Đề án 196, Ban Dân tộc tỉnh sẽ triển khai phân khai vốn cho huyện Ba Chẽ hỗ trợ xây dựng một cây cầu từ tỉnh lộ 330 vào cánh đồng Mộc Phềnh (xã Đạp Thanh) - khu sản xuất của nhiều hộ dân. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở KH&CN sớm nghiên cứu triển khai hỗ trợ máy sấy trà hoa vàng (công nghệ sấy lạnh) và sấy miến dong Bình Liêu nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản địa phương...
Với những cú huých chính sách về vốn, kỹ thuật, thị trường... sẽ là những yếu tố rất cần thiết để những thanh niên DTTS khởi nghiệp. Qua đó, động viên họ đóng góp vào quá trình giảm nghèo bền vững ở những địa bàn ĐBKK./.
Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 3/8/2017