Trong hai ngày 19 - 20/7, tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng Dân tộc của QH đã tổ chức Hội nghị tập huấn Thẩm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số cho ĐBQH và đại biểu HĐND. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến dự và chủ trì Hội nghị.
|
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội nghị |
Cùng dự và trình bày tham luận tại Hội nghị còn có GS. TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KT – NS; Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành; Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi; Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng và đông đảo các ĐBQH, đại biểu HĐND các địa phương.
Trình bày tham luận “Tổng quan về tình hình KT – XH vùng dân tộc; hệ thống chính sách dân tộc – thực trạng và giải pháp”, tham luận của TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện có khoảng 66 Luật và hơn 200 văn bản dưới luật liên quan đến công tác dân tộc. Những chính sách này đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT - XH, tạo chuyển biến khá rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đời sống của đồng bào được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Phan Văn Hùng, việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc còn chưa đầy đủ. Chất lượng xây dựng các đề án chính sách dân tộc còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, các chính sách dân tộc mang tính ngắn hạn; chưa có sự kết nối chính sách đối với vùng miền và chính sách đối với nhóm dân tộc, từng dân tộc. Nhiều chính sách dân tộc chưa gắn với chính sách tôn giáo, tín ngưỡng; phân cấp cho địa phương, trao quyền cho người dân còn hạn chế, chưa quy định rõ trách nhiệm giải trình…
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá, trong quá trình thẩm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở vùng dân tộc thiểu số của ĐBQH, đại biểu HĐND thì việc nhận thức về vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc, tri thức về các cộng đồng tộc người là hết sức cần thiết, giúp cho hoạt động trên có chất lượng, đáp ứng tốt và hiệu quả các mục đích đề ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc và khu vực miền núi.
Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các ĐBQH và đại biểu HĐND đã được nghe các tham luận liên quan đến: Vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc ở Việt Nam trong tình hình mới; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các chương trình, chính sách giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội cho vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam; quy trình và kỹ năng thẩm tra, xem xét, quyết định và giám sát NSNN của QH và HĐND…
Chia sẻ tại Hội nghị, một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với vùng dân tộc. Về nội dung này, GS. TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đã có những quy định rõ ràng về vấn đề này trong Luật Ban hành văn bản QPPL. Các cơ quan thẩm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra của mình. Ở chiều ngược lại, QH và HĐND các cấp cũng có quyền ra Nghị quyết yêu cầu cơ quan chấp hành thực hiện nghiêm túc các kết luận thẩm tra, giám sát nói chung và liên quan đến chính sách, pháp luật đối với vùng dân tộc nói riêng.
Cũng theo GS. TS Phan Trung Lý, về cơ bản hoạt động thẩm tra, giám sát của QH và HĐND là khá giống nhau. Vì vậy, cần có các giải pháp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực hoạt động giữa QH, các cơ quan của QH, ĐBQH với HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND các địa phương trong công tác thẩm tra, giám sát nói chung và thẩm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số nói riêng./.
Nguồn: daibieunhandan.vn, ngày 20/7/2017