|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tặng Bằng khen cho các hộ làm kinh tế giỏi
và gia đình văn hóa tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô |
Trong những năm qua, công tác dân tộc luôn được thành phố Hà Nội coi là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội. Theo đó, vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng trên 10%, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, các làng nghề truyền thống ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hộ mở rộng về quy mô cũng như đa dạng hóa trong sản xuất, kinh doanh… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 15,2% năm 2011 xuống 13,38% năm 2016. Đã có 5/14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận nông thôn mới.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể đã phát động nhiều phong trào như “Nuôi dạy con ngoan”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”… qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân đồng bào dân tộc thiểu số về vai trò của xây dựng văn hóa trong đời sống.
Nhờ việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách và các phong trào thi đua đã góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô. Trong quá trình phát triển, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi, gương mẫu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng.
Điển hình như hộ gia đình bà Hoàng Thị Tâm, dân tộc Mường, ở tổ 21 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Bản thân bà Tâm đã thành lập lên câu lạc bộ từ thiện “Tình thương”, hàng tháng tổ chức nấu cháo từ thiện. Xưởng sản xuất hàng may mặc của gia đình bà tạo công ăn việc làm cho 20 lao động. Đến nay đã ủng hộ hàng ngàn bộ quần áo, nhu yếu phẩm trị giá hàng trăm triệu đồng cho những trường hợp khó khăn.
Hay như hộ gia đình ông Quách Đức Soạn, dân tộc Mường, ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức luôn tìm tòi đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập từ chăn nuôi canh tác lúa, cho thuê máy cơ giới, trồng rừng... đạt gần 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội tại địa phương của các hộ gia đình dân tộc thiểu số. Đồng thời, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu đề nghị trong thời gian tới, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cần tận dụng tiềm năng để nghiên cứu xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp, đem lại giá trị kinh tế cao, đồng thời tăng cường hướng dẫn bà con, giúp đỡ bà con trong vai trò kết nối và tìm đầu ra cho nông sản do đồng bào làm ra. Đây là điều kiện cần thiết để tạo nên chuỗi sản xuất bền vững, giúp mang lại thu nhập ổn định, bền vững giúp đồng bào từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã trao tặng bằng khen cho 81 hộ làm kinh tế giỏi và gia đình văn hóa tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô./.
Nguồn: dangcongsan.vn, 27/6/2017