Thứ Năm, 26/12/2024
Tăng cường cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số: Cần đi vào thực chất

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường công tác cán bộ nữ,
cán bộ DTTS” diễn ra vào ngày 21/6 tại phòng họp Tân Trào - Nhà Quốc hội

Hội thảo đã tập trung thảo luận, tìm ra những giải pháp đột phá, khả thi; những kiến nghị, đề xuất có tính thực tiễn cao trong đó chú trọng tới nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền, định hướng, nâng cao nhận thức; tăng cường công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ nữ, cán bộ người DTTS; kiến nghị đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù…

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về tình hình đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người DTTS cho thấy: hiện nay, tổng số cán bộ nữ ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là 7.521 người, trong đó có 17,5% giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp Vụ trở lên. Ở cấp tỉnh, tổng số cán bộ nữ là 5.814 người, trong đó có 714 người, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp sở và tương đương trở lên (12,3%). Cấp huyện có 249 người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 2.495 cán bộ nữ (10%); ở cấp xã là 3.030/29.224 (tương đương 10,4% cán bộ nữ).

Đối với cán bộ DTTS, ở cấp Trung ương tổng số cán bộ người DTTS là trên 18 nghìn người trong tổng số gần 366 nghìn cán bộ, công chức, viên chức (chiếm khoảng 5%), trong đó 16,3% cán bộ DTTS là lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên; ở cấp tỉnh trên 163 nghìn người trong tổng số 1.115 nghìn cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 14,7%), trong đó 6,3% cán bộ DTTS giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.

Nhiệm kỳ 2015-2020 có 12% cán bộ DTTS tham gia cấp ủy tỉnh. Một số tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống nhưng cơ cấu đạt thấp dưới 10%, như: Nghệ An, Phú Thọ, Gia Lai, Bắc Giang, Kiên Giang… Cũng nhiệm kỳ này, có 10,9% cán bộ DTTS tham gia Ban thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có 3 tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống nhưng không có cán bộ DTTS tham gia là: Nghệ An, Lâm Đồng, An Giang.  Hiện nay, tổng số cán bộ DTTS thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là 49/725 chiếm 6,8%

Phát biểu tại  hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính   nhận định: Công tác cán bộ nữ, cán bộ người DTTS đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Đội ngũ này ngày càng được tăng cường nâng cao cả về số lượng và chất lương. Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ, cán bộ người DTTS đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ nữ, cán bộ người DTTS còn chậm được cụ thể hóa, chưa thống nhất và thiếu đồng bộ. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người DTTS còn thấp, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số nữ, dân số người DTTS và chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác tuyển dụng, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ người DTTS còn bất cập, thiếu tầm nhìn và định hướng chiến lược...

Tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo, đồng thời phân tích những hạn chế trong công tác cán bộ nữ, cán bộ DTTS và cho rằng tỷ lệ cán bộ DTTS tham gia vào hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu và còn bất cập trong phân công vị trí công tác. Lấy dẫn chứng một số tỉnh có tỷ lệ cán bộ DTTS rất thấp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết: qua điều tra, rà soát, nguyên nhân không phải thiếu nguồn cán bộ DTTS mà do người DTTS thi tuyển công chức, viên chức rất khó khăn. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đồng tình với những giải pháp tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ DTTS theo đề xuất tại Hội thảo. Từ tình hình thực tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề xuất thêm các giải pháp: Tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục, truyền cảm hứng để người DTTS tự thân, nỗ lực học tập, rèn luyện phấn đấu để trưởng thành, chống tư tưởng hay kêu ca phàn nàn, tự ti, trông chờ ỷ lại vào nhà nước; xây dựng cơ chế đặc thù để tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức, sinh viên người DTTS tốt nghiệp Đại học công tác tại cơ quan đặc thù vùng DTTS và miền núi trình Bộ chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến, giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận rõ việc một số bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo là người DTTS. Cấp tỉnh, huyện có từ 30% dân số trở lên là người DTTS, cần quy định rõ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND….phải đạt tỷ lệ cán bộ DTTS hợp lý, nếu không đạt tỷ lệ thì không phê duyệt quy hoạch, không phê duyệt đề án nhân sự Đại hội; đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa vào kết luận các nhóm cán bộ: lãnh đạo cấp tỉnh, cấp sở, cấp phòng và tương đương ở vùng DTTS và miền núi và cán bộ ở một số bộ, ngành giữ vị trí chủ chốt, đặc biệt là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến vốn, dự án phải được bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc trước khi làm nhiệm vụ; xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ DTTS tốt nghiệp đại học rèn luyện trong thực tiễn ở cấp xã để bổ sung cán bộ làm công tác dân tộc.

Cho rằng vùng DTTS vẫn là vùng khó khăn nhất, lõi nghèo của cả nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định: tăng cường cán bộ DTTS là mong mỏi của bà con các DTTS, đồng thời đó cũng là cách hiệu quả nhất giúp đồng bào bớt khó khăn.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần xây dựng cơ chế phối hợp trong việc tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ người DTTS; tăng thêm chức danh cấp phó là người DTTS, là nữ ở một số bộ ngành, cơ quan đơn vị Trung ương và địa phương; tiếp tục tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định, chính sách về cán bộ nữ, cán bộ người DTTS, đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ DTTS tham gia tập thể lãnh đạo, quản lý ở các cấp theo quy định; xác định rõ vị trí vai trò của cán bộ nữ, cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị.

Phát biểu kết luận Hội thảo, để công tác cán bộ nữ, cán bộ người DTTS đi vào thực chất hơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: các bộ ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, quán triệt tốt việc thực hiện chính sách cho cán bộ nữ, cán bộ DTTS, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu bình đẳng giới, bình đẳng giữa các dân tộc trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác cán bộ nữ, cán bộ DTTS là trách nhiệm của hệ thống chính trị, toàn xã hội, các cấp ủy cần có những chương trình kế hoạch về đào tạo, sử dụng; lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào cấp ủy, lãnh đạo, quản lý và tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho cán bộ nữ, cán bộ DTTS có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị những cán bộ nữ, cán bộ người DTTS cũng phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện để lan tỏa những tấm gương sáng trong cộng đồng.

Nguồn: cema.gov.vn, 23/6/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi