Chủ Nhật, 24/11/2024
Nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, góp công xây dựng Thủ đô giàu đẹp

 Đồng bào DTTS Thủ đô không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình
mà còn giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế​

Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số TP Hà Nội tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến,

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều gia đình đồng bào DTTS đã vươn lên làm giàu bằng chính công sức của mọi người trong gia đình cùng cộng đồng dân cư như hộ gia đình bà Hoàng Thị Tâm (dân tộc Tày) ở tổ dân phố 31 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Cả hai vợ chồng bà sau thời gian hơn 30 năm công tác trong quân đội. Về nghỉ hưu, bà đã quyết định thành lập Cy để sản xuất quần áo thời trang và đồng phục học sinh.

Bước đầu còn bỡ ngỡ gặp rất nhiều khó khăn và thất bại trong kinh doanh. Nhưng được sự động viên của các chồng con và bạn bè, bà đã quyết tâm và vượt qua được thách thức. Sau 10 năm lăn lộn với thương trường, Cty của bà đã tạm thời đi vào ổn định, đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 công nhân với mức lương ổn định. Kinh tế khá giả cộng với bản tính nhân hậu, thương người, nhiều năm qua bà đã có những nghĩa cử cao đẹp như tặng trên 2.000 bộ quần áo mới cho đồng bào miền Trung gặp thiên tai, cho các cháu làng trẻ SOS; ủng hộ nấu cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo BV K hàng chục triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, trưởng thôn Đồng Sổ, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất cũng là một trong những điển hình tiêu biểu về làm kinh tế giỏi. Nhìn thấy lợi thế vùng đất bán sơn địa, ông cùng gia đình mở rộng diện tích sản xuất, thực hiện đa canh, kết hợp trồng rừng với cây công nghiệp, cây lương thực để phát triển kinh tế hộ gia đình. Gia đình ông đã cải tạo hàng nghìn héc-ta đất trồng rừng, ươm tạo cây giống phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng các cây trồng có chất lượng kinh tế cao, như keo, sưa… cho thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Ông Đinh Công Lực (người dân tộc Mường, huyện Thạch Thất) đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng ớt xuất khẩu và rau an toàn. Nhờ đó, gia đình ông có thu nhập ổn định, lợi nhuận đạt từ 60 triệu đến 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Lực còn giúp đỡ, hướng dẫn nhiều người trong thôn cùng phát triển kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang giống cây trồng cho thu nhập cao. Nhiều gia đình trong thôn đã mạnh dạn vay vốn làm ăn. Diện tích đất hoang hóa được thu hẹp, làng xóm dần khang trang. Có gia đình mỗi năm thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Bà Triệu Thị Thanh (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) là người đầu tiên mang cây thuốc nam về trồng trong vườn nhà, thay vì lên núi hái như tập tục trước kia của người dân tộc Dao. Chủ động nguồn dược liệu, lại “mát tay” trong chẩn bệnh bốc thuốc, bà Thanh ngày càng vững về kinh tế gia đình. Từ gương làm thuốc nam của bà Thanh, nhiều người cũng mang cây thuốc về nhà trồng. Hiện nay, một số bản người Dao của huyện Ba Vì được công nhận là làng nghề thuốc nam truyền thống, giúp bà con có nghề nghiệp ổn định, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (dân tộc Mường, thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì). Sau gần mười năm chăm sóc và phát triển đàn bò sữa, đến nay gia đình ông Nghĩa thu được khoảng 20 tấn sữa mỗi năm, thu nhập 240 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ bán bê con. Ông Nghĩa còn thường xuyên phổ biến kinh nghiệm cho người dân trong thôn cùng làm.

Bên cạnh đó, phải kể tới gia đình các ông, bà như Bùi Xuân Thanh (dân tộc Mường, thôn Lập Thành, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai), Nguyễn Văn Trường, dân tộc Mường, thôn Đồng Rơi, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất…
Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.340 km2, dân số trên 7,5 triệu người. Đồng bào DTTS sinh sống ở tất cả các quận, huyện, thị xã. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê công bố năm 2015, tổng số đồng bào DTTS có hơn 92 nghìn người, thuộc 50 thành phần dân tộc. Trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 53 nghìn người, chiếm 78%; dân tộc Tày có trên 6 nghìn người, chiếm 8,8%; dân tộc Dao có 2.435 người, còn lại là các DTTS khác. Đồng bào DTTS của Thủ đô cư trú tập trung theo cộng đồng tại 154 thôn bản thuộc 14 xã của 5 huyện là Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ba Vì. Với tổng số trên 55 nghìn người trên 12.300 hộ và phần đông là người Mường.

Để có được bước chuyển mạnh mẽ như hôm nay, ngoài nỗ lực của người dân, là hiệu quả việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển của các cấp chính quyền TP Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết 06 ngày 31-10-2011 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thủ đô Hà Nội. UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 166 ngày 30-11-2012, giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch 138 ngày 15-7-2016 giai đoạn 2016-2020, về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội. Trong đó TP đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đối với các địa phương vùng dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt thực hiện sự chỉ đạo từ Thành ủy, UBND TP Hà Nội, 12 quận nội thành đã hỗ trợ 92  tỷ đồng xây dựng 46 nhà văn hóa cho các thôn vùng đồng bào các dân tộc miền núi đó cũng là động lực, điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển cũng như diện mạo nông thôn vùng dân tộc miền núi của Hà Nội./.

Nguồn: phapluatxahoi.vn, ngày 13/7/2017


 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất