Chủ Nhật, 24/11/2024
Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai

 Tư vấn khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS tại huyện Bắc Hà

Đưa chính sách đến với người dân

Trong những năm qua, việc thực hiện các chính sách pháp luật trong lĩnh vực BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lào Cai luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, sự phối hợp kịp thời của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện và đặc biệt là sự thống nhất ủng hộ cao của người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần triển khai thực hiện các chính sách hiệu quả.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, các dân tộc thiểu số chiếm 64,09% dân số toàn tỉnh, Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Đồng bào DTTS sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều được đảm bảo đầy đủ quyền lợi về chế độ, chính sách BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh luôn quan tâm đến công tác lập danh sách và cấp phát thẻ BHYT, đảm bảo 100% đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT.

Để thẻ BHYT kịp thời phục vụ quyền lợi của người dân, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh tập trung thực hiện cấp và bàn giao thẻ BHYT cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố trước ngày 31 tháng 12 hằng năm để đảm bảo cấp phát thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số hoàn thành xong trước ngày 01/01 năm sau. Theo con số thống kê của cơ quan chuyên ngành, trong giai đoạn 2015-2016, toàn tỉnh đã cấp trên 438 nghìn thẻ BHYT cho người dân tộc thiếu số với tổng kinh phí trên 271 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ theo đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816… nên đã thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến, tạo niềm tin cho người dân trong tỉnh. Mức độ sử dụng thẻ BHYT của đồng bào DTTS sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền trong thăm, khám chữa bệnh ngày càng tăng lên, năm 2015, bình quân 0,64 lượt/thẻ BHYT, năm 2016 con số này là 0,76 lượt/thẻ BHYT.

Để tạo thuận lợi nhất cho bệnh nhân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 20 cơ sở y tế. Tổ chức khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã, huyện, tỉnh với 132 trạm y tế, 32 phòng khám đa khoa khu vực có hoạt động lồng ghép với trạm y tế, 05 bệnh viện tuyến tỉnh, 09 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và phòng khám bảo vệ sức khỏe cán bộ. Vì vậy, người dân được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất. Đồng thời, thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh đối với tuyến huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS được khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trong tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến.

Đặc biệt, người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại các các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn ngoài việc được chi trả chi phí thuốc, vật tư y tế… từ nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT còn được hỗ trợ chi phí tiền ăn, tiền đi lại trong những ngày nằm viện đã giúp cho người bệnh yên tâm điều trị, có đủ dinh dưỡng góp phần hỗ trợ ngành y tế trong quá trình điều trị cho người bệnh.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Theo rà soát, đánh giá của các cơ quan chức năng, đối với công tác khám, chữa bệnh BHYT hiện nay khâu vướng mắc nhất vẫn là việc thiếu đồng bộ tên các dịch vụ kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện tại các cơ sở y tế giữa các Thông tư 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 và Thông tư 50/2014/TT-BYT ngày 26/12/2014 của Bộ Y tế với Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Liên Bộ Y tế - Tài chính. Đặc biệt, quy định về quỹ khám chữa bệnh ngoại trú tại trạm y tế xã các năm qua rất thấp; đặc biệt là từ khi thực hiện thông tuyến huyện từ 01/01/2016 nên người có thẻ BHYT được tự do chọn nơi khám bệnh, cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không thể kiểm soát, quản lý được khi bệnh nhân đến các cơ sở y tế khác dẫn đến vượt quỹ của nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Nhất là tình trạng người bệnh vượt qua tuyến xã vừa dẫn đến quá tải và vượt chi phí khám chữa bệnh, vượt quỹ KCB BHYT của các tuyến do càng khám chữa bệnh tuyến trên thì giá dịch vụ càng cao, cả người bệnh và quỹ BHYT cùng phải chi trả càng nhiều.

Mặc dù, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý khám chữa bệnh và thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn khó khăn trong việc triển khai ứng dụng hệ thống cơ sở công nghệ thông tin tại tuyến xã. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có phần mềm quản lý được việc cấp thẻ BHYT, không tra cứu được thông tin ghi trên thẻ BHYT khi bị sai lệch với các giấy tờ tùy thân của người có thẻ BHYT khi tới cơ sở khám chữa bệnh, gây khó khăn rất nhiều các cơ sở y tế trong việc quản lý công tác khám chữa bệnh, quản lý quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, về phía người dân, tình trạng đi khám chữa bệnh không mang thẻ hoặc công tác bảo quản thẻ BHYT chưa được quan tâm. Thẻ BHYT còn rách, mờ gây khó khăn cho việc tra cứu và nhận dữ liệu vào hệ thống giám định BHYT trên phần mềm giám định BHYT...

Để tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách nêu trên, nhằm đem lại sự thuận tiện và tạo hiệu quả cao trong hoạt động khám chữa bệnh có BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, trong đó  có tỉnh Lào Cai rất cần sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan Bộ, ngành Trung ương trong việc nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của của Thủ tướng Chính phủ về việc khám chữa bệnh cho người nghèo; có cơ chế hỗ trợ kinh phí cụ thể đối với các tỉnh còn nghèo, nguồn chi chủ yếu phụ thuộc vào kinh phí từ Trung ương cấp.

Cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quyết định đồng bộ danh mục kỹ thuật làm cơ sở triển khai thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 9/8/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế; sớm có hướng dẫn về chứng chỉ hành nghề đối với các bác sỹ chuyên khoa như Tim mạch, thần kinh, y học cổ truyền...

Đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét giao tăng quỹ khám, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT khi một số chính sách BHYT thay đổi và thực hiện mức giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc./.

Nguồn: laocai.gov.vn, ngày 29/8/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất