Thứ Ba, 24/12/2024
Người đi “gieo hạt” vùng biên giới

Anh trở thành chỗ dựa cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên vùng biên giới Gia Lai, Kon Tum, là tấm gương sáng trong vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tự nguyện từ bỏ tà đạo Hà Mòn, xây dựng mối quan hệ quân dân bền chặt.

"Cây lúa quân dân" trên vùng biên giới

Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi cùng đoàn công tác của địa phương đến tham quan những cánh đồng lúa trên núi, được cán bộ, công nhân, người lao động Công ty 75 hỗ trợ bà con địa phương trồng, chăm sóc và chuẩn bị thu hoạch. Nhìn những nương lúa xanh bạt ngàn, ai nấy đều ngạc nhiên và cùng chung suy nghĩ: Lúa trên núi! Đẹp, hiệu quả như thế này thì bà con không lo thiếu đói, khó khăn trong mùa giáp hạt. Có được những vụ mùa trĩu hạt như thế, bà con buôn làng đều biết ơn Thượng tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75.


 Thượng tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75 (thứ tư, từ trái sang)
cùng đoàn công tác tham quan ruộng lúa xen canh ở Đức Cơ, Gia Lai 

Anh Tâm kể: "Thời gian qua Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”. Tuy nhiên do đời sống bà con DTTS còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên một bộ phận vẫn khó khăn. Chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, vận dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, chế biến, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Bên cạnh đó, đơn vị triển khai mô hình giúp dân trồng lúa trên núi, trên đất tái canh cây cao su. Xác định đây là mô hình mới, nếu không bàn bạc thống nhất, không làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh đoàn kết quân dân, động viên mọi người cùng thực hiện thì dễ bị đổ vỡ, tôi đã chỉ đạo đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp, lồng ghép thực hiện với Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Cái khó là hiện nay giá mủ cao su xuống thấp, bà con lại chưa quen, chưa có kinh nghiệm trồng cây lúa xen canh, nên không nhiều người nhiệt tình hưởng ứng. Đất giao, bà con không nhận; cho giống, bà con không trồng… Không nản chí, Thượng tá Trịnh Hà Tâm cùng với cán bộ, công nhân Công ty 75 ngày đêm tích cực bám dân, vận động bà con chuyển đổi phương thức canh tác, từ “chặt, đốt, chọc, tỉa”, sang trồng lúa trên núi theo hướng trồng cây xen canh, lấy ngắn nuôi dài; vừa mở rộng diện tích cây trồng, tăng thêm thu nhập cho bà con, tuyển dụng con em đồng bào DTTS vào làm công nhân... Đến nay, đơn vị đã trồng, khai thác hơn 4.700ha cao su, thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 3.400 lao động, trong đó hơn 2.100 lao động là con em đồng bào DTTS. 

Từ năm 2014, trước thực trạng một số vườn cao su già cỗi, năng suất thấp, quá tuổi khai thác, Công ty 75 có chủ trương thanh lý, tái canh. Cùng với việc trồng mới, đơn vị có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho bà con đồng bào DTTS địa phương trồng lúa trên 778,28ha đất tái canh cao su. Lúa trên đất tái canh được trồng ở giữa luống đất trồng cao su giống, trong thời gian cây cao su đang bén rễ phát triển. Ba năm trở lại đây, mô hình trồng lúa trên đất cao su tái canh của Công ty 75 không chỉ “tiếp sức” cho hàng nghìn hộ dân nghèo ở 14 làng trên địa bàn 3 xã: Ia Din, Ia Krêl và Ia Kriêng vùng biên giới huyện Đức Cơ (Gia Lai) phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân dân, góp phần làm thất bại âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Hiệu quả thiết thực của mô hình đã lan tỏa khắp các bản làng của vùng biên giới Tây Nguyên.

Tiếp xúc với một số hộ dân đồng bào DTTS được hưởng lợi từ việc giúp dân trồng lúa trên đất tái canh trồng cao su, chúng tôi mới thấy hết ý nghĩa từ mô hình đem lại. Không giấu được niềm vui, ông Rơ Mah Peng, già làng Nẻl 2, xã Ia Din (Đức Cơ) bộc bạch: "Năm nay mưa thuận gió hòa nên cây lúa trồng trên núi của Công ty 75 hỗ trợ cho dân làng rất xanh tốt, hy vọng được mùa, nhiều hạt. Nhà mình trồng được 1ha lúa, vụ mùa trước thu về 5 tấn. Nhà thằng Danh, bà Blơl trong làng thu được 6-7 tấn cơ. Sướng cái bụng vô cùng... Không chỉ giúp bà con cày đất, san đất, Công ty 75 còn hỗ trợ lúa giống, phân bón, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hoạch… 3 năm qua, có đất bộ đội giúp trồng lúa xen canh nên bà con trong làng có thêm cái ăn, không lo đói, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên...".

Đánh giá về mô hình giúp dân trồng lúa trên núi, trên đất cao su tái canh, ông Kpăh Chooen, Bí thư Đảng ủy xã Ia Din khẳng định: "Đây là mô hình rất thiết thực, phù hợp với người dân địa phương. Cây lúa trên núi giúp bà con đồng bào DTTS vùng biên giới nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều gia đình giàu lên và ngày càng gắn bó với công ty, với làng quê của mình".

Xa cán bộ Hà Tâm, dân làng nhớ lắm!

Trò chuyện với chúng tôi, ông A Xem, già làng thôn Giăng Lố 2 (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), nói: “Thôn Giăng Lố 2 có 34 hộ dân. Các hộ đều có người vào làm công nhân cho Công ty 732 (nơi trước đây Thượng tá Trịnh Hà Tâm công tác). Cuộc sống bà con trong thôn giờ đổi thay rất nhiều, không còn hộ đói. 100% trẻ em đến tuổi được đi học. Người dân ốm đau đến bệnh xá quân dân y khám, chữa bệnh… Đặc biệt, tình trạng truyền đạo trái phép và số người nhẹ dạ đi theo tà đạo Hà Mòn nay đã tự nguyện từ bỏ. Thành quả này có công lao rất lớn của cán bộ Trịnh Hà Tâm ở Công ty 732 trước đây. Bà con trong thôn, ai có chuyện vui, chuyện buồn đều được cán bộ Tâm chia sẻ, giúp đỡ. Dù bận đến mấy, nhưng biết trong thôn có việc, bà con cần là cán bộ Tâm đều tranh thủ có mặt cùng chung tay góp sức, chia sẻ buồn vui với dân làng. Cán bộ Tâm gần gũi, thân tình, nói hay, lại làm được việc nên bà con tin tưởng, nghe theo. Nay phải xa cán bộ Tâm, dân làng nhớ lắm!”.

Gần dân là bài học lớn từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Thượng tá Trịnh Hà Tâm vận dụng có hiệu quả vào quá trình công tác. Quá trình vận động bà con đoàn kết, giúp nhau phát triển sản xuất, từ bỏ tà đạo Hà Mòn, gắn bó với quê hương, anh luôn chịu khó và cần mẫn. Dấu chân Hà Tâm hằn in hầu khắp các thôn làng. Cứ như thế, anh đã thuyết phục, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỗi bằng những công việc cụ thể, giản dị và chân thành. 

Chính những lời anh nói, những việc anh làm khiến bà con cảm phục. Vợ chồng chị Y Phal ở thôn Giăng Lố 2 nói về anh với niềm tin yêu: "Không có bộ đội Công ty 732, không có cán bộ Tâm giúp đỡ thì cuộc sống dân làng vùng biên giới Kon Tum nói chung, gia đình mình nói riêng còn khổ nhiều lắm. Trước đây, người dân theo tà đạo phải đi vào rừng, suốt ngày chỉ đọc kinh, lúc đói không có gì ăn. Khi cán bộ vận động, biết bị lừa dối, vợ chồng mình và bà con quay về làng, được bộ đội làm đường, kéo điện, hỗ trợ gạo, cá để ăn, tuyển vô làm công nhân… Sự đổi thay kỳ lạ này không có được từ nhà nước Đề Ga, mà chỉ có được từ sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của bộ đội và cán bộ Hà Tâm./.

Nguồn: qdnd.vn, ngày 1/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi