|
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình rau sạch
ở bản Khiêu, xã Xuân Phú (Quan Hóa) |
Trong đó, khu vực miền núi Thanh Hóa có diện tích tự nhiên trên 8.000 km2; dân số trên 1.117.294 người, là địa bàn cư trú lâu đời của trên 600.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú; với 223 xã, thị trấn, 2.208 thôn, bản, 16 xã giáp biên giới với nước bạn Lào với 192 km đường biên giới; 115 xã đặc biệt khó khăn khu vực III, 181 thôn, bản đặc biệt khó khăn khu vực I, II.
Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 10,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 980 USD; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm trên 5%; hệ thống đường xã và liên xã cứng hóa đạt 65%; bình quân tiêu chí xây dựng nông thôn 11 huyện miền núi đạt 11,8 tiêu chí, 7 huyện giáp ranh có xã miền núi đạt 15,3 tiêu chí; có 22 xã và 153 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác giáo dục – đào tạo ở miền núi được quan tâm đúng mức, đến nay có 276 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 40,71%, tăng 33 trường so với cuối năm 2016, 85% phòng học được kiên cố hóa; kết thúc năm học 2016 có 6 học sinh đạt giải quốc gia môn văn hóa mà trước đây chưa có... Trình độ dân trí khu vực miền núi được nâng lên, đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng núi cao đã ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; phát triển trang trại chăn nuôi dưới tán rừng; gieo mạ bằng biện pháp che phủ ni lông; sử dụng phân viên nén dúi sâu trong trồng lúa nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao...
Công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm, hiện 100% xã miền núi đã có cán bộ có trình độ đại học; các huyện đã có cán bộ có trình độ thạc sỹ; thực hiện hiệu quả chủ trương nhất thể hóa (đồng chí Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND hoặc UBND xã; Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản); tuyển chọn được 61 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND 61 xã 30a; điều động 17 đồng chí sỹ quan biên phòng làm phó bí thư đảng ủy xã biên giới; duy trì 16 đội liên ngành tham mưu xây dựng hệ thống chính trị ở các bản đặc biệt khó khăn khu vực biên giới; điều động 17 cán bộ các ban, sở, ngành cấp tỉnh về làm lãnh đạo chủ chốt 9/11 huyện miền núi, trong đó, 05 đồng chí làm bí thư huyện ủy (Quan Sơn, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân), 04 đồng chí làm phó bí thư thường trực huyện ủy (Quan Sơn, Bá Thước, Thạch Thành, Thường Xuân), 05 đồng chí làm phó bí thư – chủ tịch UBND huyện (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Như Xuân) và 03 đồng chí làm phó chủ tịch UBND huyện (Quan Sơn, Thạch Thành, Như Xuân)...
Đối ngoại nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện; duy trì thường xuyên quan hệ hợp tác với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDC nhân dân Lào. Hiện nay, có 25 đơn vị của tỉnh Thanh Hóa ký kết chương trình hợp tác với các đơn vị của tỉnh Hủa Phăn; hỗ trợ cho bạn hơn 155 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; mở nhiều lớp đào tạo văn hóa, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, y tế, lý luận chính trị cho cán bộ tỉnh Hủa Phăn; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới...
Tuy nhiên, công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; sản xuất hàng hóa còn yếu; tình trạng mù chữ, tái mù chữ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng gia tăng; phong tục, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu; đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo còn cao, gấp 1,86 lần so với toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 86,5% số hộ nghèo trong khu vực... Là khu vực nhân dân dễ bị tác động, lôi kéo tham gia tệ nạn xã hội, hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo trái pháp luật, vi phạm quy chế quản lý biên giới;...
Đội ngũ cán bộ miền núi, dân tộc thiểu số, trình độ, năng lực còn yếu; hiểu biết chủ trương, chính sách chưa toàn diện; nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, thiếu quyết tâm phấn đấu vươn lên.
Sản xuất hàng hóa chậm phát triển; địa hình phức tạp; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; nguồn lực đầu tư còn khó khăn; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển (mới đáp ứng nhu cầu tưới trên 63% diện tích lúa nước hiện có, nước sinh hoạt nhiều nơi thiếu; còn 157 thôn, bản chưa có điện lưới; hệ thống phát thanh cơ sở yếu kém, nhiều nơi không có sóng truyền hình; trạm y tế xã nhiều nơi không đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh; nhà làm việc thiếu, nhiều đoàn thể đang còn phải làm việc chung...).
Các thế lực thù địch thường xuyên chống phá, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, nhất là tuyên truyền việc thành lập “Nhà nước Mông” tự trị; truyền đạo trái pháp luật; khiếu nại tố cáo trong GPMB thực hiện dự án đầu tư, trong khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp còn phát sinh nhiều...
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh, nhằm củng cố vững chắc lòng tin của đồng bào với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa cấp uỷ, chính quyền với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, cần thực hiện tốt bốn nội dung sau:
Một là: Vận động đồng bào dân tộc thiểu số, giám sát thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển miền núi, như Chương trình 134, 135, 30a..; phát huy tinh thần chịu thương chịu khó, hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”. Trọng tâm là tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình; Chi tiêu hợp lý, có kế hoạch, tiết kiệm để dành nguồn tích lũy cho tái sản xuất và chỉnh trang nhà cửa; Không tham gia tệ nạn xã hội; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; Tích cực học tập để nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật, nắm vững cơ chế, chính sách, khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, quyết tâm thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Hai là: Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Quyết định số 464-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa”. Trong đó, chủ yếu là tăng cường vận động đồng bào dân tộc thiểu số không tham gia các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma túy; không di cư tự do; không tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật; tích cực xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như: nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ma chay, cưới hỏi ăn uống nhiều ngày ảnh hưởng xấu tới hiệu quả lao động, sản xuất và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số... Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn bản, người có uy tín làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Ba là: Với vị trí xung yếu về quốc phòng - an ninh, là phên dậu quốc gia, của tỉnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch luôn lợi dụng triệt để vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, gắn “dân tộc” với “tôn giáo” để chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số cảnh giác, tích cực đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn miền núi, biên giới của tỉnh.
Bốn là: Làm tốt công tác đối ngoại nhân dân. Tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn, thăm thân, kết nghĩa giữa các bản, cụm bản 2 bên biên giới; xây dựng tuyến biên giới Việt – Lào, Thanh Hóa – Hủa Phăn ổn định và phát triển toàn diện; tăng cường vun đắp mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện hai bên biên giới./.
Nguồn: baothanhhoa.vn,25/10/2017