Thứ Bảy, 23/11/2024
Bạc Liêu: Thực hiện tốt các chính sách đồng bào dân tộc Khmer

 Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tặng quà hộ gia đình Khmer nghèo

Bạc Liêu hiện có 8 xã nằm trong diện đầu tư Chương trình 135 năm 2016 bao gồm: Ninh Quới, Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân); Minh Diệu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); Phong Thạnh Đông (TX. Giá Rai); An Trạch A, Long Điền, Long Điền Đông A (huyện Đông Hải). Các địa phương trên được tiếp tục đầu tư về mọi mặt để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Ngoài ra, những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn TP. Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân… cũng nhận được sự đầu tư, quan tâm nhiều mặt.

Điển hình là huyện Hồng Dân, năm 2016, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc Khmer như: triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ đất ở, nước sinh hoạt cho 187 hộ với số tiền trên 5 tỷ đồng; cho 41 hộ vay vốn chuộc lại đất sản xuất với số tiền trên 1 tỷ đồng; hỗ trợ 4 hộ vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 32 triệu đồng. Đồng thời thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với đồng bào dân tộc. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, đã có 145 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, quyền Bí thư Huyện ủy Hồng Dân: “Chương trình 135 đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Bên cạnh đó, việc chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho đồng bào Khmer được đẩy mạnh. Qua đó, giúp hộ nghèo nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, phát triển đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bên cạnh thực hiện Chương trình 135 thì tỉnh cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở thiết yếu ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hơn 5.000 hộ; hỗ trợ đất ở cho hơn 1.000 hộ, chuyển đổi ngành nghề cho 7.208 hộ với số tiền trên 16 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng hoàn chỉnh 14 công trình nước sinh hoạt tập trung và 160 giếng bơm tay, giúp gần 4.000 hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được dùng nước sạch; giải quyết việc làm cho trên 1.000 hộ; hỗ trợ 1.150 hộ vay vốn để mua máy móc, nông cụ, phát triển kinh doanh.

Ngoài chăm lo đời sống, tỉnh còn chú trọng đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào Khmer. Theo đó đã cấp phát trên 14.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc Khmer.

Ông Trần Hoàng Duyên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Ban Dân tộc tỉnh phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 sẽ chuyển đổi ngành nghề cho những hộ không có đất sản xuất đạt từ 80% trở lên; mỗi năm giảm 3 - 4% hộ nghèo trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”./.

Nguồn: baobaclieu.vn, ngày 17.11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi