Thứ Ba, 24/12/2024
Vĩnh Phúc: Nỗ lực giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Mô hình trang trại kinh tế chăn nuôi lợn của người dân
xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

Nhiều năm trước đây, gia đình anh Lương Văn Man (dân tộc Sán Dìu), thôn Phân Lan Hạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, luôn sống trong tình cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Anh Lương Văn Man chia sẻ: Cả gia đình anh với 5 nhân khẩu sống trong ngôi nhà lụp sụp, chẳng có vật dụng gì đáng giá. Bản thân anh Man phải xoay sở đủ nghề mà vẫn không đủ ăn. Từ khi được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, gia đình anh Man đã có kinh phí để đầu tư mua lợn, vịt về nuôi. 

Sau gần 10 năm vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, anh Lương Văn Man gây dựng được cơ ngơi khang trang có công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cùng với hơn 60 con lợn thương phẩm, 200 con vịt đẻ. Mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá với thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Không chỉ có gia đình anh Man, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đạo Trù được thụ hưởng các chương trình, chính sách giảm nghèo của Nhà nước. 

Ông Lam Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết: Xã hiện có hơn 87% dân số là đồng bào dân tộc, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Nhà nước, đời sống của đồng bào có nhiều thay đổi, cuộc sống dần khá hơn, hiện nay tỉ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn dưới 10%. 

Vĩnh Phúc hiện có 30 dân tộc, gồm có dân tộc Kinh và 29 dân tộc thiểu số, trong đó có 13 dân tộc thiểu số sống thành cộng đồng với trên 47.000 người (chiếm 4,6% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày, Nùng sống tập trung ở các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên. 


 Mô hình sản xuất rau sạch ở Hợp tác xã Vân Hội, xã Vân Hội, huyện Tam Dương

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Đặc biệt, ngoài nguồn vốn theo Chương trình hỗ trợ của Chính phủ, hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc đã lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng tại các xã nghèo, các chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. 


Tỉnh Vĩnh Phúc còn triển khai các dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt giai đoạn 2015-2019 của UBND huyện Tam Đảo; hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất của Hội Nông dân tỉnh; chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về sản xuất, chăn nuôi cá tầm, nuôi ong, trồng và sơ chế, bảo quản, chế biến ớt, mướp đắng và mô hình nhân giống, trồng, chế biến dược liệu… 

Năm 2017, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ kinh phí, con giống, phân bón, kỹ thuật để phát triển dược liệu tại 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi gồm trà hoa vàng, đinh lăng, ba kích, nghệ vàng… Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo tại 14 xã vùng dân tộc, miền núi còn được hỗ trợ mua bò giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tiếp cận với các dịch vụ và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Cùng với đó, để đồng bào “an cư”, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ đất ở tối đa không quá 200m2/hộ. Tỉnh Vĩnh Phúc còn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi khác dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Hỗ trợ đào tạo, học nghề, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ vốn mua nông cụ sản xuất, xuất khẩu lao động, cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất... Đến nay, tất cả các xã, thôn trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015, đời sống vật chất và tinh thần của bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 7%. 

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2017-2020, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo; kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc, miền núi; xây dựng mô hình trồng cây dược liệu và nhân rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dần hình thành và quy hoạch vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới./.

Nguồn: cema.gov.vn, ngày 13/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi