Thứ Sáu, 19/4/2024
Tập trung mọi nguồn lực để đồng bào Khmer thoát nghèo

 Chị Nèang Nhơn phấn khởi bên căn nhà mới xây

Phát huy từ nội lực

Gia đình chị Nèang Nhơn, người dân tộc Khmer, ở sóc Tà Ngáo, ấp Phú Tâm là trường hợp đặc biệt khó khăn của ấp. Chỉ với vẻn vẹn 3 công ruộng, lại không có nghề phụ nên vợ chồng chị phải làm thuê ở nhiều nơi, quần quật quanh năm mà đói nghèo vẫn luôn đeo bám. Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước. Từ năm 2016, được sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, người nghèo được vay vốn ưu đãi vợ chồng chị đầu tư chăn nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng lúa đạt năng suất cao, từ đó, đời sống của gia đình có phần được cải thiện. Đến đầu năm 2017, được sự quan tâm của chính quyền xã An Phú, sự hỗ trợ kịp thời của các nhà hảo tâm, gia đình chị Nèang Nhơn được hỗ trợ 60 triệu đồng, cộng với số tiền anh chị dành dụm và vay thêm của người thân xây được một căn nhà cấp 4 lát gạch men, tường quét sơn trắng. Đây cũng là năm đánh dấu mốc gia đình chị được xét thoát nghèo: “Ngày dọn vào nhà mới, tôi thao thức cả đêm, vì niềm mơ ước của cả gia đình bấy lâu nay về một căn nhà kiên cố giờ đã thành hiện thực. Cảm ơn chính quyền và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ. Giờ “an cư” rồi, vợ chồng tôi lo chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo bền vững” - Chị Nèang Nhơn xúc động nói.

Ngồi trong căn nhà mới xây khang trang, anh Nèang Chanh Tha, ở sóc Tà Ngáo, ấp Phú Tâm vẻ mặt như rạng ngời hơn. “Giờ yên tâm rồi, có nhà mới khang trang để ở, không phải lo cảnh mưa dột, gió lùa, gia đình tôi rất phấn khởi. Đây là niềm động viên để vợ chồng tôi nỗ lực phấn đấu làm ăn, tiết kiệm, dành dụm để lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn” - Anh Nèang Chanh Tha nói trong niềm vui sướng. Được biết, trước đây, gia đình anh Nèang Chanh Tha là một trong những hộ nghèo của sóc Tà Ngáo. Nhà chỉ có vài công ruộng, quanh năm cuốc bẫm cày thuê nhưng cái nghèo, cái đói vẫn bám chặt lấy gia đình anh. Từ khi được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo, gia đình anh đã chuyển đổi sản xuất, thâm canh gối vụ, anh mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ chăm chỉ, khéo thu vén nên gia đình anh đã có của ăn của để và là một trong những hộ “tiên phong” trong thoát nghèo bền vững.

Đây quả thật là niềm vui lớn lao của người dân Khmer, bởi cuộc sống của họ đang đổi thay từng ngày. Đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến tận tay người nghèo, vì vậy, nhiều người dân tộc Khmer đã biết tận dụng nguồn vốn, đầu tư sản xuất và chăn nuôi như: nuôi bò, dê, trâu, lợn... đạt hiệu quả cao, từ đó góp phần thoát nghèo bền vững.

Tận dụng triệt để các nguồn lực

Ông Nguyễn Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã An Phú cho biết: “Sóc Tà Ngáo, ấp Phú Tâm có 100% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trước đây, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, nhiều năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình giảm nghèo của Chính phủ như: 134, 135, 167... để từng bước phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo. Điều quan trọng nhất là đồng bào Khmer ở sóc Tà Ngáo đã có chuyển biến tích cực về mặt nhận thức. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và hướng dẫn cho người dân trồng 1 vụ lúa, 2 vụ màu trong 1 năm. Bên cạnh đó, tập trung khai thác và nâng cao giá trị các sản phẩm làm từ cây thốt nốt, giúp đồng bào Khmer thật sự thoát nghèo bền vững”.

Hiện nay, người Khmer ở sóc Tà Ngáo ngoài làm nông nghiệp, còn phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn trái, vì vậy, UBND xã An Phú đã huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi nâng cao đời sống cho đồng bào.

Đặc biệt, việc đầu tư phát triển theo các chương trình, dự án mang tính đặc thù đã mang lại hiệu quả thiết thực. Sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng ý thức nỗ lực tự vươn lên của đồng bào Khmer, tỷ lệ hộ nghèo ở sóc Tà Ngáo từng bước kéo giảm. Nếu như năm 2016, sóc Tà Ngáo có đến 99/193 hộ nghèo, thì đến năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 64 hộ. Phấn đấu trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trong sóc sẽ giảm còn 10 hộ. Điều đáng mừng là 100% đồng bào Khmer được phát thẻ bảo hiểm y tế, 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường, đường sá đi lại được thuận tiện, dễ dàng, điện lưới quốc gia đến từng nhà dân, thu nhập bình quân đầu người tăng hằng năm, nhiều hộ có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã An Phú mới chỉ đạt được 12/19 tiêu chí. Nhưng đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở đây đã có bước thay đổi đáng kể, nhà ở kiên cố ngày một nhiều, 100% dân số trong xã được sử dụng nước sạch nông thôn, góp phần đưa xã biên giới An Phú ngày càng vững bước đi lên.

Nguồn: bienphong.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất