Thứ Bảy, 23/11/2024
Điện Biên: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tộc thiểu số

Hiện nay, đội ngũ làm công tác PBGDPL toàn tỉnh được kiện toàn, gồm 90 báo cáo viên cấp tỉnh, 225 báo cáo viên cấp huyện, 2.005 tuyên truyền viên cấp xã. Tính đến tháng 11/2017, toàn tỉnh Điện Biên đã tổ chức 14.032 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho 590.318 lượt người tham dự; 9 cuộc thi thu hút 2.455 lượt người tham gia; thực hiện phát sóng 2.210 lần chương trình PBGDPL trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã và đăng tải, phát 4.212 tin, bài về pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng.

Phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, tỉnh tập trung biên soạn các tài liệu tuyên truyền theo hướng thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu. Năm 2017, toàn tỉnh duy trì 775 tủ sách pháp luật; 116/130 xã có tủ sách pháp luật; các cơ quan, doanh nghiệp, bưu điện, đồn biên phòng, đơn vị trường học có 659 tủ, với 16 đầu sách, tài liệu; cấp phát 1.050 cuốn Bản tin Tư pháp cho tủ sách pháp luật các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong năm, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã biên soạn và cấp phát miễn phí 81.836 tài liệu tuyên truyền pháp luật; trong đó 17.542 tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL thông qua các hội nghị, cuộc họp, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động tư vấn pháp luật…

Trong công tác PBGDPL, việc lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng là rất quan trọng. Ðối với vùng thấp, dân trí cao hơn thì đi sâu vào tuyên truyền nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, lồng ghép tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định canh định cư, ổn định sản xuất, không nghe theo kẻ xấu, không du canh du cư; không sinh con thứ 3; phát hiện tố giác những hành vi vi phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới, vận chuyển buôn bán ma túy và các chất gây nghiện...

Ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Là đơn vị chủ trì thực hiện công tác PBGDPL, Sở Tư pháp xác định đó là “cầu nối” trong việc đưa pháp luật đến gần hơn với người dân. Quá trình thực hiện, các cấp ủy Ðảng, chính quyền luôn quan tâm và phối hợp với cơ quan chức năng. Ðội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn, cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng. Các văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nội dung tuyên truyền, phổ biến ngày càng đa dạng, được chọn lọc phù hợp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của địa phương. Nhờ đó nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từng bước được nâng lên. Từ đó góp phần ngăn chặn, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật của các cấp chính quyền./.

Nguồn: baodienbienphu.info.vn, ngày 18/12/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi