Thứ Hai, 23/12/2024
Âm thầm "gieo tri thức" vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Thầy giáo Nguyễn Anh Tài đang giảng bài cho học sinh khối lớp 7
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, chị Hoàng Thị Trúc (1980) được Trường TH Đa Nhim nhận về làm nhân viên tại trường. Môi trường công tác không có gì làm chị phải bận tâm, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, chị vẫn luôn khát khao được đứng lớp để truyền dạy kiến thức cho thế hệ trẻ vùng sâu. Thế rồi, ước mơ của chị được thỏa nguyện, khi năm 2003, chị được Trường TH-THCS Đưng K’Nớ nhận về làm giáo viên THCS. Tại đây, cô giáo trẻ Hoàng Thị Trúc dồn hết khả năng, nhiệt huyết của mình vào những buổi lên lớp, hoặc những giờ học ngoại khóa, những giờ lao động cùng đồng nghiệp và các em học sinh xây dựng cảnh quan môi trường của nhà trường. Chính sự nhiệt tình, trách nhiệm đó đã đem lại niềm vui, sự lạc quan trong cuộc sống cho một cô giáo trẻ ở vùng đất còn nhiều khó khăn, vất vả. 
Và niềm vui, sự lạc quan đó được nhân lên gấp bội, khi vào năm 2004, cô giáo Hoàng Thị Trúc có được tình yêu và đi đến “đơm hoa kết trái” với đồng nghiệp và là thầy giáo Nguyễn Anh Tài, cũng là giáo viên dạy THCS tại trường. Để có được tình yêu và hạnh phúc gia đình như hôm nay, anh chị phải trải qua thời gian dài âm thầm vượt khó không chỉ trong cuộc sống vật chất, mà cả trong đời sống tinh thần, đó là những năm tháng anh Tài sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, hết công tác tại Trường THCS Tân Hà, Lâm Hà, chuyển về Trường TH-THCS Đưng K’Nớ, rồi lại chuyển về Trường THCS-THPT Đạ Tông, huyện Đam Rông. Đây chính là khoảng thời gian anh Tài, chị Trúc phải âm thầm vượt khó không chỉ trong đời sống vật chất, mà cả trong đời sống tinh thần, bởi với cảnh “Một tình yêu, hai khoảng cách”, hàng ngày anh Tài phải vượt qua quãng đường dài hơn 20 km để đến trường lên lớp và sau đó phải lội suối trèo đèo, quấn xít xe đánh vật với con đường trơn trượt trở về nơi có “một nửa của chính mình”. 
Sau hơn hai năm dạy học tại Trường THCS-THPT Đạ Tông, anh Tài được trở lại công tác tại Trường TH-THCS Đưng K’Nớ và tổ chức lễ cưới với người yêu, thì phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã, như là sự thử thách của tình yêu, của sự thủy chung tình nghĩa vợ chồng. Đó là, việc vợ chồng anh chị bị rơi vào tình trạng hiếm muộn có con. Hơn 10 năm vừa phải vật lộn với sự khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống vùng sâu, vùng xa, vừa phải “quặn lòng” chờ đợi tiếng “bi bô” trong ngôi nhà nhỏ, vợ chồng anh Tài thấm thía nhận ra một điều: Sự thiếu thốn về vật chất nếu có bản lĩnh sẽ dễ dàng vượt qua, nhưng sự thiếu thốn về tình cảm của một gia đình đích thực thì có bản lĩnh đến đâu cũng khó lòng đứng vững. Thế nhưng, với anh Tài, chị Trúc, khi đã quyết tâm trọn đời bên nhau, anh chị đã kiên trì âm thầm vượt khó, để rồi hạnh phúc cũng vỡ òa, khi vào năm 2015, chị sinh hạ được một bé trai bụ bẫm, xinh xắn. Sinh linh bé bỏng là nguồn động viên vô bờ bến, tiếp sức cho anh Tài, chị Trúc tiếp tục vượt khó trong cuộc sống, trong môi trường công tác. Ngoài việc dạy học và tham gia các hoạt động tại trường đạt kết quả tốt, được Ban giám hiệu nhà trường, phòng giáo dục huyện đánh giá cao, vợ chồng anh Tài, chị Trúc đã có những nỗ lực lớn trong xây dựng cuộc sống gia đình. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh chị đã cần mẫn bám đất, bám vườn, chăn nuôi, trồng trọt, tạo dựng được ngôi nhà nhỏ và hơn 2 ha cà phê cho thu hoạch hàng năm. 
Nhớ lại những năm tháng vật lộn với vô vàn khó khăn để biến “không thành có”, anh Tài tâm sự: “Để có được ngôi nhà nhỏ và vườn cà phê cho thu nhập 100-150 triệu đồng/năm như hiện nay, vợ chồng anh chị phải làm việc hết mình từ việc tự khai thác vật liệu tại chỗ để xây nhà, tổ chức chăn nuôi  gia súc, gia cầm và trồng mới, chăm sóc, thu hái, phơi, xay cà phê… Giờ thì kinh tế gia đình đã “tạm ổn”, anh chị dồn sức cho việc chăm sóc con nhỏ và công tác. Do đặc thù của vùng sâu, vùng đồng bào DTTS, việc dạy học tại trường gặp không ít khó khăn, bởi hầu hết học sinh của trường đều là con em đồng bào DTTS, đời sống gia đình còn thiếu thốn trăm bề, bản thân các em học sinh nói, viết, hiểu tiếng Việt và tiếp thu bài giảng rất hạn chế, nên đòi hỏi giáo viên phải hết sức tỉ mỉ, kiên trì trong truyền dạy kiến thức theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Hiểu được điều đó, anh Tài, chị Trúc ngoài việc nhiệt tình, kiên trì, khoa học trong giảng dạy tại lớp, trong phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém, trong dạy thêm ngoài giờ tại lớp học bán trú của trường, còn hết sức gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh, từng gia đình phụ huynh để động viên các em bám trường, bám lớp”.
Thành quả của sự nhiệt huyết với nghề nghiệp, tình yêu con trẻ vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh đã mang lại cho cô giáo Hoàng Thị Trúc danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường nhiều năm liền; còn thầy giáo Nguyễn Anh Tài liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, được tuyên dương là gương điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Không thỏa mãn với những gì đã đạt được, vợ chồng thầy giáo, cô giáo Nguyễn Anh Tài - Hoàng Thị Trúc nói với chúng tôi: “Thời gian tới vợ chồng chúng em tiếp tục âm thầm vượt khó, âm thầm gieo tri thức nơi vùng đất đã được chúng em chọn làm quê hương thứ hai để bám trụ suốt đời. Dù rằng, tại nhà trường đã có một số giáo viên và hai gia đình nhà giáo sau một thời gian công tác, đã tìm cách chuyển công tác về nơi khác có điều kiện thuận lợi hơn”./.
Nguồn: baolamdong.vn,ngày 19/12/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi