Thứ Hai, 23/12/2024
Hòa Bình: Phát huy vai trò người uy tín ở khu dân cư

Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hiện có 2.068 thôn, bản, trong đó, có 36 thôn bản thuộc diện khó khăn nhất tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo rất cao, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu. Thu nhập, mức sống của người dân thấp chỉ đạt bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm. Có những thôn cá biệt con số này dưới mức 3 triệu đồng/người/năm…

Để nâng cao đời sống, giảm nghèo cho các thôn bản, đặc biệt là 36 thôn thuộc diện khó khăn nhất, cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh cũng đã sáng tạo lồng ghép các nguồn lực để khắc phục khó khăn, đạt hiệu quả cao nhất cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Cùng với  là  sự đóng góp thầm lặng và bền bỉ của những người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu. 

Tại các địa phương, người có uy tín đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể xây dựng nếp sống mới trong từng gia đình và khu dân cư, từng bước bài trừ các hủ tục, đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.  

Trong  cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh người uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu luôn là những hạt nhân đi đầu, vận động nhân dân hiến đất, ngày công để xây trường học, làm đường; tham gia các phong trào “Nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”; phong trào “5 không, 3 sạch”…

Điển hình như tấm gương của ông Nguyễn Văn Mừng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn.

Là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận ông luôn phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, quán triệt mỗi cán bộ đảng viên phải là người tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, đường làng ngõ xóm sáng, xanh, sạch đẹp. 100% hộ gia đình trong xóm được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hàng ngày xóm đều có người đi thu gom rác; việc cưới, việc tang ngày càng văn minh hơn, không mở to loa đài, không đánh trống quá 10 giờ đêm. 

Hay như trên địa bàn huyện Mai Châu có hơn 130 già làng, trưởng bản. Thời gian qua, bằng uy tín của mình, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tại các thôn, bản đã gương mẫu thực hiện và vận động, tuyên truyền nhân dân đoàn kết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn trong xã hội.

Đặc biệt, ở những khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, họ luôn đi đầu trong phong trào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo đồng thời giữ gìn và phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở xóm, bản, khu dân cư…

Và ở Mai Châu, người ta cũng nhắc nhiều tới tấm gương Già làng Vàng A Tình, dân tộc Mông, ở xã Hang Kia. Là người có uy tín ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào người Mông trong bản không phá rừng làm nương rẫy; bảo vệ nước đầu nguồn, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái; vận động nhân dân cùng tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng hiệu quả các mô hình gia đình tự quản, dòng họ tự quản về an ninh trật tự…

Có thể nói những hoạt động tích cực của người có uy tín ở Hòa Bình đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số./.

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 28/12/2017

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi