Thứ Bảy, 23/11/2024
Sóc Trăng quan tâm phát triển cán bộ là người dân tộc thiểu số

 Cán bộ cấp cơ sở ở Sóc Trăng thường xuyên bám nắm địa bàn, sâu sát cuộc sống của người dân

Nhận thức tầm quan trọng của công tác cán bộ người dân tộc Khmer, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5-4-2002 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng bộ đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer và Ðề án củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo đến năm 2020. Tỉnh hiện có hơn năm nghìn cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer, chiếm 18,9% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh và hơn 126 nghìn hội viên là người Khmer tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn.

Huyện Châu Thành là đơn vị điển hình của tỉnh về quan tâm đào tạo, sắp xếp, bố trí cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số. Huyện có tới 50% số dân là người dân tộc Khmer, là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân tộc Khmer cao nhất tỉnh. Bí thư Huyện ủy Châu Văn Chuyển cho biết: Huyện có 39 tổ chức đảng với 159 chi bộ trực thuộc, gần 2.300 đảng viên. Trong đó, đảng viên người dân tộc thiểu số có 635 đồng chí, chiếm gần 28%. Thời gian qua, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ở nơi có đông đồng bào dân tộc; kiện toàn hệ thống chính trị, bảo đảm tất cả sáu xã và thị trấn có cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số. Trong bố trí, sử dụng cán bộ, huyện chú trọng tỷ lệ hợp lý giữa các độ tuổi, các lớp cán bộ, các vùng đặc thù, lấy mục tiêu là thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và quy hoạch cán bộ cho những nhiệm kỳ tiếp theo luôn bảo đảm người dân tộc thiểu số tham gia vào cấp ủy và giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý đạt khoảng từ 18% đến 35%.

Thực hiện Ðề án củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo đến năm 2020, xã Phú Tân đã được huyện chọn làm điểm. Có tới 81% số dân là người dân tộc Khmer, nhưng xã Phú Tân là đơn vị đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện. Ðó là minh chứng cho thấy việc bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ, mà cụ thể là tạo điều kiện cho cán bộ người Khmer trực tiếp tham gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phát huy những thế mạnh của mình. Qua quá trình hoạt động thực tiễn, bộ máy xã ngày càng được kiện toàn. Phó Chủ tịch UBND xã Sâm Văn Tiền là người Khmer chia sẻ: "Ðiều thuận lợi là mình cùng ngôn ngữ, hiểu tập quán, tâm lý cho nên dễ gần gũi bà con, tuyên truyền bằng hành động thực tế, lấy bản thân mình làm thí dụ cụ thể để vận động các hộ dân cho con em đi học, nâng cao dân trí. Mình luôn tâm niệm, cán bộ phải làm gương, không nói suông thì bà con càng tin tưởng, từ đó đồng thuận, làm theo, tạo thành phong trào chung trong cộng đồng". Nhưng công tác cán bộ ở xã Phú Tân cũng vẫn còn nhiều khó khăn. Bí thư Ðảng ủy xã Phạm Ngọc Ðức cho biết: "Khó khăn nhất trong quy hoạch cán bộ người Khmer là trình độ học vấn và trình độ lý luận. Ðể chuẩn bị nguồn nhân lực, Ðảng ủy xã chọn mười đồng chí là người dân tộc Khmer có triển vọng để đào tạo cho nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm các cán bộ trong ban chấp hành đảng bộ xã đều có trình độ trung cấp lý luận chính trị".

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng làm tốt công tác cán bộ như ở huyện Châu Thành. Thí dụ như huyện Cù Lao Dung có 4.662 người dân tộc Khmer, chiếm 7,24% số dân của huyện, sống chủ yếu ở xã An Thạnh 2, An Thạnh 3 và An Thạnh Nam, thế nhưng chỉ có 74 người là đảng viên và trong nhiệm kỳ 2015-2020, ở cấp ủy các xã, thị trấn, chỉ có một đồng chí là người dân tộc Khmer. Ðánh giá về công tác này, Huyện ủy cũng ghi nhận: Mặc dù tỷ lệ người dân tộc Khmer trên địa bàn thấp nhưng việc bố trí sử dụng cán bộ chủ chốt là người dân tộc như vậy chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở còn hạn chế; chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó, một số cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số còn ngại khó, chưa có quyết tâm cao trong việc tự học để nâng cao trình độ, còn tư tưởng trông chờ vào cấp ủy, chính quyền địa phương.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Phước Vĩnh khẳng định: Còn 12 trên tổng số 52 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh không có cán bộ chủ chốt người dân tộc và cán bộ chủ chốt người dân tộc Khmer các cấp có 40 đồng chí, cấp tỉnh có một đồng chí (chiếm 25%), cấp huyện có ba đồng chí (chiếm 5,45%), cấp xã có 36 đồng chí (chiếm 7,1%), tỷ lệ tương đối thấp. Số lượng cán bộ người dân tộc Khmer tham gia các lớp đào tạo, luân chuyển còn ít. Chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số cấp cơ sở hiện nay cũng chưa đạt chuẩn. Vì vậy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc Khmer trên toàn địa bàn tỉnh, nhất là ở cấp cơ sở, chú trọng đào tạo cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện kế hoạch luân chuyển, sắp xếp, bố trí hợp lý cán bộ người dân tộc Khmer có năng lực, triển vọng, thuộc diện quy hoạch nhằm tạo nguồn cán bộ chủ chốt xứng đáng.

Sự đánh giá đúng đắn và quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ thúc đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người dân địa phương nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng./.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 10/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi