Thứ Hai, 23/12/2024
Những tấm gương nhân sỹ, trí thức, người có uy tín dân tộc thiểu số tiêu biểu

Đồng bào dân tộc có uy tín của tỉnh được tôn vinh tại hội nghị người có uy tín, nhân sỹ, trí thức
và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc tháng 12/2017
 
Nhân sỹ, trí thức, người có uy tín và đội ngũ doanh nhân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương. Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, họ còn là những nhân tố tích cực truyền lửa, vận động họ hàng, người thân gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống mới, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm ổn định ANCT - TTATXH.
Bằng uy tín, sự am hiểu văn hóa, phong tục tập quán địa phương, người có uy tín luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, đồng thời không ngừng tuyên truyền đến nhân dân ở địa bàn tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng nhằm góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Ông Bùi Văn Nưởn, xóm Cút, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc là tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi, vận động giúp đỡ các hộ trong khu dân cư cùng phát triển kinh tế, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Bà Đỗ Thị Thu, thôn ốc, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn là tấm gương tiêu biểu vận động gia đình, dòng họ và cộng đồng thực hiện tốt cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, phát triển kinh tế hộ gia đình, hiến đất làm đường giao thông liên thôn góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới. Bà Bùi Thị Thiệp, thôn Chiềng 5, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi là người uy tín tiêu biểu đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân làm kinh tế; đã tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. ông Đinh Công út, xóm Săng Trệch, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc tiêu biểu trong vận động nhân dân làm kinh tế gia đình bằng nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. ông Xa Văn Thế, xóm Nhạp, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc tích cực tuyên truyền, vận động các cháu trong độ tuổi đến trường đi học; vận động, tuyên truyền nhân dân trong công tác bảo vệ ANTT, trồng và bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó còn nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực như: ông Vàng A Tình, xóm Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu có nhiều thành tích trong tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia tàng trữ, vận chuyển, mua bán các chất ma túy; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không tảo hôn, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; vận động tuyên truyền đối tượng truy nã ra đầu thú. ông Bùi Văn Chuôm, xóm Cháy, xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn tiêu biểu về tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn ANTT, nhất là chấp hành Luật an toàn giao thông....ông Quách Thế Tản, tổ 7B, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình là tấm gương tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn toàn tỉnh. ông Hoàng Văn Vượng, xóm Rậm, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, phát triển đảng viên mới, phát hiện và bồi dưỡng, giúp đỡ các điển hình tiên tiến, người ưu tú giới thiệu cho cấp ủy.
Không ít tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số là những nghệ nhân có những đóng góp, cống hiến trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nổi bật là: Nghệ nhân Bùi Văn Lựng, xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc; nghệ nhân Bùi Văn Minh, xóm Mận, xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, là những người bảo tồn di sản văn hoá Mo Mường, lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể, sở hữu bộ sưu tầm đồ đồng, đồ gốm và nhiều hiện vật đồ đá khác. Nghệ nhân Bùi Huy Vọng, xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn dày công nghiên cứu các giá trị văn hóa dân tộc Mường, tham gia thực hiện 2 đề tài khoa học và từng đoạt 10 giải thưởng cấp Trung ương, cấp tỉnh và 1 giải thưởng Nhà nước. Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Đựng, Hiệu trưởng trường PTCS xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc. Lương y Bùi Văn Phượng, xóm Tân Thành, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy biết kết hợp y học hiện đại với y học dân tộc thành bài thuốc trị bệnh, đưa ra phương pháp, hướng dẫn sử dụng đúng cách để chữa được nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh nan y, bệnh cấp tính…
Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số là doanh nhân cũng khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển mở rộng ngành nghề và quy mô sản xuất, tích cực đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương như: bà Dương Thị Bin là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lục Nghiệp Thành, tại xóm Lục 2, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn là doanh nghiệp sản xuất và tổ chức hoạt động phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống mang lại thu nhập kinh tế cho gia đình và xã hội. Bà Nguyễn Thị Mỹ là Giám đốc Công ty TNHH ĐTXDTM Mỹ Phong, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn đã vượt khó mở rộng năng lực và quy mô đầu tư nâng cao chất lượng thi công các công trình, dự án tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm kỹ sư, công nhân, các công trình xây dựng mang lại hiệu quả cao cho xã hội, giúp nhân dân phát triển kinh tế…

Nhân sỹ trí thức, người có uy tín và doanh nhân là người dân tộc thiểu số đang bền bỉ nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của quê hương Hòa Bình./.

Nguồn: baohoabinh.com.vn, ngày 20/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi