Ở tỉnh Kiên Giang duy nhất có một con kênh được đặt tên vị cha già kính yêu của dân tộc - kênh Bác Hồ, thuộc địa bàn ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành. Kênh Bác Hồ do tự tay người dân đào để dẫn nước về sản xuất nông nghiệp.
|
Kênh Bác Hồ ở Kiên Giang |
Ông Danh Dên, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Yên cho biết: Toàn ấp hiện có 335 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer. Những năm qua, với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, người dân nơi đây đã tự giác đăng ký học tập và làm theo gương Bác để cùng nhau học tập, lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên khá giả.
Theo ông Danh Dên, ngày trước đời sống của bà con rất khó khăn, điện thắp sáng không có; làm ruộng không đủ ăn, người dân phải làm đủ nghề để kiếm sống. Ngoài ra, còn có một bộ phận người dân không chí thú làm ăn, trông chờ ỷ lại vào chính sách dân tộc thiểu số để thụ hưởng. Thế nhưng từ khi phát động phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, không chỉ cán bộ, đảng viên quan tâm thực hiện mà cả người dân cũng rất hăng hái làm theo. Riêng ở ấp có kênh Bác Hồ gần như 100% người dân đăng ký học tập và làm theo gương Bác.
Ông Danh Dên chia sẻ, nói là đăng ký thực hiện nhưng đồng bào dân tộc Khmer ở đây “làm theo” bằng những hành động, việc làm cụ thể. Chẳng hạn, thấy cán bộ, đảng viên trong địa bàn trồng cây con gì có hiệu quả, họ thực hiện theo. Trong mỗi cuộc họp tổ nhân dân tự quản đều có đảng viên trong ấp dự họp, triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước. Nghe các mẩu chuyện về Bác, nhất là về tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày, đồng bào dân tộc Khmer rất tâm đắc, từ đó họ bắt đầu chi tiêu tiết kiệm hơn. “Họ biết tiết kiệm và chí thú làm ăn, đời sống ngày càng khá lên. Nhớ đến công ơn của Bác nên trong nhà tất cả bà con ở ấp Thạnh Yên đều có ảnh chân dung của Bác để thờ” - ông Danh Dên nói.
Đến kênh Bác Hồ, điều dễ nhận thấy là hai con đường dẫn vào kênh được người dân tự đóng góp kinh phí đổ vật liệu cứng; hai bên đường rợp bóng cây xanh, nhà tường, mái tôn mọc lên. Ở đó, còn có những luống rau xanh ngút ngàn được bà con tận dụng trồng đến tận sân nhà. Không khí lao động ở vùng quê luôn tất bật và hầu như họ không có ngày nghỉ. Anh Danh Niên, ngụ ấp Thạnh Yên cho biết: Nhờ được các cán bộ ấp chỉ dẫn cách thức làm ăn, tuyên truyền, vận động đồng bào sinh hoạt tiết kiệm theo tấm gương của Bác Hồ nên bà con chí thú làm ăn và vươn lên khá giả. Anh Danh Niên cho biết: Ở đây, hầu như nhà nhà đều chí thú làm ăn. Gia đình tôi tận dụng hết phần đất sau nhà, trước sân để trồng màu. Tôi cùng các hộ gia đình ở đây hầu như quanh năm không có ngày nghỉ, hết thu hoạch cải xanh, đến rau muống, cần nước... Công việc không nặng nhọc nhưng lại cho nhà nông thu hoạch quanh năm. Nghề này không làm giàu nhưng góp phần đáng kể trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Thấy được hiệu quả từ kinh tế trồng màu, nuôi cá mang lại, nhiều người dân ở đây gọi nhau rằng: “Bòn ơi phải học theo Bác để biết cách tiết kiệm vươn lên” (từ “bòn”, trong tiếng Khmer có nghĩa là “bạn”). Ông Danh Sậy, ngụ ấp Thạnh Yên, nhà có 2.000m2, trước đây làm vườn tạp, thấy nhiều “bòn” tận dụng trồng màu cho thu nhập thoát nghèo, gia đình ông Sậy quyết tâm cải tạo lại để trồng rau màu, trung bình mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Ông Trần Văn Hùng (82 tuổi), Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản số 5, ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Lộc, là người chỉ huy công trình đào kênh Bác Hồ dẫn nguồn nước ngọt về cho biết, trước kia bà con ở đây khó khăn, cả cánh đồng chỉ làm lúa một vụ, thu được khoảng 40 kg/1.000m2. Năm 1977, khi làm cán bộ hậu cần Thị đội Rạch Giá, ông Hùng được phân công cùng với lãnh đạo phường Vĩnh Hiệp, thị xã Rạch Giá (trước đây, con kênh này thuộc địa bàn Rạch Giá) xẻ đất ruộng để đào kênh nối với kênh Cái Sắn (huyện Tân Hiệp) và kênh Đòn Dông của xã Thạnh Lộc bây giờ, nhằm đưa nước ngọt về phục vụ sản xuất. Con kênh đào ngang 2 m, sâu 1,5 m và dài gần 1 km thông ra nối liền với kênh Cái Sắn - Đòn Dông đã có tổng chiều dài 4,8 km và hoàn thành đúng vào ngày sinh nhật Bác 19/5. Khi đó, nước nhà được giải phóng là nhờ công ơn của Người nên người dân đã thống nhất đặt tên kênh là kênh Bác Hồ.
Sau khi dòng nước ngọt chảy về, bà con từ làm lúa 1 vụ dần lên 2 vụ, đến nay cánh đồng này trồng lúa đạt năng suất bình quân trên 9 tấn/ha. Ngoài lúa, bà con còn áp dụng mô hình trồng màu, chăn nuôi heo, nuôi cá… nhờ vậy đời sống người dân dần khá lên. Thời gian qua, địa phương cũng được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng cơ sở ở những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer như: xây dựng đường giao thông nông thôn, mở rộng lưới điện hạ thế và nhiều dự án cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, đi lại của người dân.
Theo ông Danh Dên, do đông con, thiếu đất sản xuất và không có việc làm ổn định nên trước đây đa số hộ dân tộc Khmer trong ấp thuộc diện hộ nghèo. Từ khi thực hiện việc học tập và làm theo gương Bác, hầu hết số hộ đồng bào dân tộc Khmer đã ý thức chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ có thu nhập vài chục triệu đồng/năm từ việc sản xuất lúa hai vụ kết hợp với trồng màu và chăn nuôi. Đến nay, nhiều hộ nông dân Khmer ở kênh Bác Hồ đã vươn lên khá giàu như ông Danh Kiên, Danh Bình, Danh Chưa, Ngụy Yên, Ngụy Độ, Thị Đen… Đầu năm 2018, ở kênh Bác Hồ chỉ còn 3 hộ nghèo do không có đất sản xuất và neo đơn.
Từ con kênh đào thủy lợi nhỏ đưa dòng nước ngọt mang lại sự màu mỡ, trù phú cho vùng đất này, giờ kênh Bác Hồ đã được Nhà nước đầu tư nạo vét rộng đến 30 m để phục vụ sản xuất 130 ha lúa, hoa màu, nuôi cá... của bà con nơi đây. Việc con kênh mang tên Bác vừa để ghi nhớ công ơn của Người, vừa nhắc nhở, động viên bà con nâng cao ý thức trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục con cháu cố gắng học tập để trở thành người hữu ích cho xã hội, góp phần cùng với địa phương xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp./.
Nguồn: tuyengiao.vn,ngày 20/1/2018