Thứ Hai, 23/12/2024
Có Ðảng, đời sống đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên được ấm no

 Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên xuống gặp gỡ đồng bào các dân tộc,
kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo được lòng tin trong nhân dân

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ, người Tây Nguyên sống trong cảnh tăm tối giữa rừng sâu. Cũng như các dân tộc anh em, họ quanh năm suốt tháng làm xâu, làm mướn. Các dân tộc Tây Nguyên bị đối xử bất bình đẳng, các phong tục, tập quán bị kỳ thị, bản sắc văn hóa bị xóa nhòa. Những tháng ngày gian khó và đau thương không thể nào nói hết. Già làng Ywan R’Tung, gần 90 tuổi ở buôn Sa Luk của người M’nông Gar (Krông Nô, Ðác Nông) kể rằng, thời Pháp thuộc, người dân buôn làng của già đói cơm, nhạt muối, mặc khố bằng vỏ cây. Ðến thời giặc Mỹ xâm lược thì bom cày đạn xới, cả làng phải sống chui rúc trong hang đá lạnh, đói rét quanh năm. Ðến ngày giải phóng thì người chết vì bom đạn, vì đói, vì bệnh vơi hết nửa làng. Già làng Hà Ðời người Cơ Ho ở xã Ðạ Sar (Lạc Dương, Lâm Ðồng) cũng nói: "Cái đói, cái dốt vây hãm giữa núi rừng, không biết lối nào mà đi. Không có Ðảng, không có Bác Hồ thì cuộc sống của đồng bào không biết sẽ ra sao...".

Trong những ngày tăm tối, "người của Ðảng" đã đến với Tây Nguyên. Họ từ miền xa đến sống chung dưới mái nhà sàn với đồng bào, cũng lưng trần đóng khố vỏ cây, cũng "cà răng, căng tai", cũng chịu chung cái đói, cái rét, cùng đồng bào đánh giặc Pháp, đuổi giặc Mỹ. Ngày đó, rất nhiều "người của Ðảng" như anh Thế đến với làng Stơr (Gia Lai) giúp Anh hùng Núp tổ chức đội du kích đánh giặc Pháp. Ở Lâm Ðồng, đồng bào trong các buôn làng truyền tụng mãi tấm gương người anh hùng tên là Mang Yệu chiến đấu chống giặc Pháp tại căn cứ K’Dòn kiên trung. Năm 1948, giặc Pháp bắt được anh và tra tấn dã man. Tên đồn trưởng đồn La Dày hỏi: "Ðảng ở đâu? Việt Minh ở đâu?". Mang Yệu điềm nhiên chỉ vào bụng mình: "Ðảng trong cái bụng tao! Việt Minh trong cái bụng tao! Hồ Chí Minh trong trái tim tao!". Tên đồn trưởng tức giận găm lưỡi dao vào bụng Mang Yệu và gầm lên: "Ðể tao xem Ðảng mày giấu ở đâu, Việt Minh mày giấu ở đâu, Hồ Chí Minh của mày ở đâu?". Dòng máu tuôn trào, anh quắc mắt nhìn thẳng vào kẻ thù và thét lên trước khi gục xuống: "Tao chết nhưng Ðảng của tao còn, Bác Hồ của tao còn, đồng chí của tao còn, để trả thù cho tao!"...

Tây Nguyên ngày nay là ngôi nhà chung của hơn năm triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nước nhà thống nhất, đồng bào thật sự được giải phóng, thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu; được làm công dân của một nước độc lập; được phát triển bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc anh em. Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, tổ chức thực hiện nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Ðặc biệt, từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Quyết định số 168/2001/ QÐ-TTg ngày 30-10-2001 về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 -2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên thì nguồn lực tập trung đầu tư vào địa bàn chiến lược này ngày càng cao, nhằm phát triển theo hướng bền vững. Trên khắp các buôn làng, phố thị Tây Nguyên, từ Ðác Lắc, Gia Lai, Lâm Ðồng hay Kon Tum, Ðác Nông cuộc sống ngày càng khởi sắc phát triển. Ðiện, đường, trường học, cơ sở y tế và nhiều công trình hạ tầng, phúc lợi khác ngày càng mọc nhiều hơn trên những vùng đất từng vô cùng lạc hậu, đói nghèo. Ngày xưa, tập quán du canh du cư làm cho cuộc sống đồng bào hết sức cơ cực; ngày nay, Ðảng và Nhà nước tổ chức và đầu tư để đồng bào Tây Nguyên thực hiện định canh, định cư, ổn định cuộc sống, vươn lên lập vườn, lập trang trại làm giàu. Ðã có nhiều tỷ phú là người dân tộc Ê Ðê, Ba Na, Chu Ru, Mạ, Mơ Nông, Cơ Ho. Bên cạnh bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy, đồng bào Tây Nguyên còn được hưởng những chính sách ưu đãi riêng của Ðảng và Nhà nước về giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội khác…

Hình ảnh của Ðảng giữa buôn làng Tây Nguyên hôm nay là sự hiện hữu bằng những ý nghĩ, lời nói, việc làm mang lại hiệu quả sống động trong cuộc sống thường ngày. Ở Gia Lai, tỉnh có 34 dân tộc anh em sinh sống, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 45% tổng số dân toàn tỉnh. Với phương châm "tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn, xã nắm đến hộ dân", tỉnh Gia Lai đã xây dựng hệ thống chính trị vững vàng và 3.000 cốt cán phong trào cùng 1.850 già làng, những người có uy tín trong buôn làng. Cấp ủy các cấp đã phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, kết nghĩa để hỗ trợ các địa phương khó khăn. Lãnh đạo lực lượng vũ trang trên địa bàn phối hợp nhiệm vụ quốc phòng với công tác dân vận. Qua đó, làm cho đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, chấp hành pháp luật, tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững chắc. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng Nguyễn Xuân Tiến cho biết: "Nhận thức của đảng viên trong các địa bàn dân tộc thiểu số đã nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, cần phải liên tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Có như thế, Ðảng mới gần dân, sát dân và phát huy tốt nhất vai trò lãnh đạo". Chứng minh lời của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là thực tế, nhiệm kỳ này, Ðảng ủy xã Ða Nhim (huyện Lạc Dương) không tổ chức chi bộ cơ quan, năm cán bộ xã được cử về làm bí thư năm chi bộ thôn có đông đồng bào dân tộc Cơ Ho sinh sống, người sống ở thôn nào thì trực tiếp lãnh đạo cấp ủy thôn đó. Việc làm này tạo nên sinh khí mới tại cơ sở, người lãnh đạo vừa làm gương trước đảng viên và nhân dân, sâu sát tình hình và lãnh đạo toàn diện tại địa bàn trong cuộc sống hằng ngày.

Xưa, nhiều "người của Ðảng" len lỏi vào với những buôn làng heo hút để vận động nhân dân bám đất, đánh giặc, giữ buôn làng. Nay, "người của Ðảng" là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để xây dựng và bảo vệ Tây Nguyên. Ðảng cùng đồng bào quyết tâm bảo vệ rừng, đầu tư thủy lợi, thủy điện, giúp đồng bào canh tác cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi. Ðảng chỉ cho đồng bào chống lại những luận điệu sai trái của kẻ xấu, tập trung xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Ðảng đưa con em đồng bào đến trường, hỗ trợ người dân nghèo dựng cái nhà để ở, hướng dẫn cách phòng tránh bệnh tật và tổ chức khám, chữa bệnh cho dân. Ðảng cùng đồng bào bảo tồn văn hóa và hệ thống các giá trị cổ truyền. Ðảng ở chính trong dân. Như già làng Tou Prong Dzung người Chu Ru của thôn Ka Ðô trước đây (nay là xã Ka Ðô, Ðơn Dương, Lâm Ðồng) cũng chính là bí thư chi bộ thôn cho biết: "Phải thấu hiểu cuộc sống của bà con buôn làng mới giúp họ tìm cách thoát nghèo được. Và quan trọng là cán bộ, đảng viên thì phải gần dân, giúp dân và làm gương trước". Cùng với các đồng chí của mình, với sự kiên trì vận động của già làng kiêm Bí thư chi bộ Tou Prong Dzung, hơn 154 ha đất sản xuất nông nghiệp của bà con Chu Ru đã có hơn một nửa sản xuất rau thương phẩm, thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Bộ mặt buôn làng khởi sắc, đời sống đồng bào mỗi ngày một khá lên…

Ở Tây Nguyên, ý Ðảng và lòng dân hòa quyện như những gì gần gũi và bình dị nhất. Ðồng bào một lòng hướng về Ðảng. Ðảng vẫn ấm nồng trong niềm tin và sự thủy chung của đồng bào Tây Nguyên. Niềm tin ấy lớn dần theo năm tháng./.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 3/2/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi