UY TÍN TỪ LỜI NÓI ĐẾN VIỆC LÀM
Dù đã bước qua 77 mùa rẫy nhưng Chủ tịch Hội đồng già làng xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) Điểu Nhơn, dân tộc S’tiêng, vẫn rất tráng kiện, nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong ngôi nhà khang trang ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, già làng chia sẻ với chúng tôi về quan niệm học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo cách của riêng mình.
Đại biểu HĐND xã Long Bình (2016-2021), nguyên Trưởng thôn 5 Nghiêm Xuân Phương không chỉ nhiệt tình, năng động trong công việc mà còn là nông dân sản xuất giỏi
Già làng Điểu Nhơn cười vui vẻ, ánh mắt sáng lấp lánh khi nói về quan điểm học Bác của mình. Sau khi lãnh đạo xã Phú Nghĩa triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW và sau này là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, già làng đã vận dụng vào lối sống, công việc hằng ngày để thực hiện. “Vợ chồng nào đánh nhau, mình tìm đến khuyên can, nói cho họ hiểu về tác hại của việc mất đoàn kết trong gia đình. Đứa trẻ nào bỏ học, mình tâm sự với cha mẹ và khuyên nhủ để gia đình họ hiểu rằng chỉ có học mới có thể thoát nghèo, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng khó khăn nhất vẫn là khuyên giải việc tranh giành đất đai, nhà cửa. Nhiều lần đến các hộ dân để phân tích đúng sai còn bị nạt nộ, đuổi về nhưng mình vẫn kiên trì giảng giải để họ hiểu. Chỉ đến khi nào hết khả năng mình mới báo cáo chính quyền giải quyết. Nhờ đó mà bà con luôn tin tưởng, nghe theo” - già Nhơn chia sẻ.
Để mùa xuân Mậu Tuất đến với mọi nhà, Chủ tịch Hội đồng già làng Điểu Nhơn đang cùng các già làng và hội, đoàn thể xã Phú Nghĩa vận động người dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số tích cực chăm sóc vườn cây, hong phơi lúa gạo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước để cái tết thêm phần ấm áp. Bề dày kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động cũng như thuyết phục người dân tại thôn, xã thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, già có được nhờ va chạm thực tế suốt 38 năm làm trưởng thôn. Bằng khen, giấy khen treo kín phòng khách là những ghi nhận về đóng góp không nhỏ của già làng Điểu Nhơn. Với già, đó là báu vật được trân trọng và giữ gìn.
Dù tuổi cao nhưng hằng ngày già Nhơn vẫn làm việc như các thành viên khác trong gia đình. Nhờ thu nhập từ rẫy điều 10 ha (hiện đã chia cho con 4 ha) cùng ruộng lúa nước mà kinh tế gia đình trở nên khá giả, giúp già có điều kiện tham gia hoạt động xã hội. Già làng Điểu Nhơn nói: “Mình là dân lao động nên tập trung học tập Bác đức tính “cần” và “kiệm”. Như vậy mới mong nâng cao đời sống kinh tế, cải thiện thu nhập của gia đình để thoát nghèo. Nghe hộ nào sang nhượng, cầm cố đất hoặc vay nặng lãi để tiêu xài thì cái bụng không cho mình im lặng, lại phải tìm cách khuyên nhủ, nói điều nên làm, lẽ thiệt hơn. Giờ đây, trên 60 hộ dân thôn Khắc Khoan đoàn kết, chung sức chăm lo phát triển kinh tế gia đình nên mình rất vui. Tuy nhiên, mình vẫn hơi buồn khi thôn còn 2 hộ nghèo. Một hộ do lười lao động, chỉ rượu chè mà già “đi nát cỏ” vẫn không chịu nghe lời và một hộ nghèo vì neo đơn, bệnh tật”.
TỰ NGUYỆN “VÁC TÙ VÀ”
Năm 2010, ông Nghiêm Xuân Phương (1963), dân tộc Hoa, ở thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước bắt đầu đảm nhiệm công việc Trưởng thôn. Nhận thấy đời sống người dân thôn 5 còn nghèo, muốn phát triển kinh tế thì khâu cốt lõi phải có điện, đường, trường, trạm... nên ông đã biến suy nghĩ thành hành động. Trước hết, ông Phương phối hợp Ban điều hành thôn tổ chức họp dân vận động đóng tiền mua đất xây điểm trường mẫu giáo, bởi hầu hết trẻ em vì xa điểm chính đã không được đến trường. Tuy nhiên, ban đầu ông gặp phải sự phản đối của nhiều người vì phải bỏ ra 700 ngàn đồng/hộ mua đất, xây trường thời điểm đó không hề nhỏ. Nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, trong các buổi họp thôn, dịp lễ, tết gặp mặt đông đủ bà con, ông tranh thủ lồng ghép tuyên truyền; đến nhà dân ông cũng nhỏ nhẹ nói chuyện về cái được của việc trẻ em đến lớp để mọi người hiểu. Đặc biệt, hộ nghèo, neo đơn đều được miễn đóng góp. Sau nhiều lần họp bàn, cuối cùng ông cũng tìm được sự đồng thuận. Và Trường mầm non Tuổi Thơ ra đời bên trục đường chính của thôn 5, đáp ứng nhu cầu đến lớp của trên 100 trẻ trong thôn.
Chủ tịch Hội đồng già làng Điểu Nhơn nói chuyện cùng cán bộ dân tộc - tôn giáo xã Phú Nghĩa và tự hào khoe thùng chứa thóc đầy của gia đình
Ông Phương cùng Ban điều hành thôn còn kiến nghị lãnh đạo xã tạo điều kiện kéo trục điện chính tại thôn 5 từ huyện Bù Đốp qua và nhân dân đóng góp kéo điện về. Nhờ sự chủ động, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đến nay, 95% hộ dân ở đây đã có điện. Khi phong trào xây dựng nông thôn mới phát động sôi nổi, người dân trong thôn đã tin tưởng giao Trưởng thôn làm đầu mối làm đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, hầu hết các trục đường ở thôn 5 đã được thảm nhựa, đổ bê tông, giúp việc đi lại, thông thương nông sản thuận lợi...
Ông Phương chia sẻ: “Tôi quê Bắc Giang, vào thôn 5 lập nghiệp từ năm 1991. Nơi đây thời điểm đó chỉ toàn lau sậy, cỏ tranh. Vợ chồng tôi cần mẫn thức khuya dậy sớm cuốc cỏ trồng đậu, bắp để “lấy ngắn nuôi dài”, trong khi các con nhỏ dại, nheo nhóc. Từ năm 2008-2012, vợ chồng tôi phải cùng lúc nuôi 4 con học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Bao nhiêu tiền của đều dốc vào chăm lo cho con. Gian khổ ngày trước chúng tôi còn lần hồi qua được thì công việc sau này đâu có đáng gì”.
Những năm qua, mỗi dịp xuân về ông lại cùng các hội, đoàn thể lo tết cho những hộ nghèo thông qua vận động từ thiện. Chính vì luôn coi trọng, vun đắp sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ trong cộng đồng mà ông Phương đã gắn kết chặt chẽ mối quan hệ máu thịt giữa các dân tộc trong thôn. Ông thường xuyên động viên, khuyến khích người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao để xây dựng cuộc sống mới. Thời điểm này, do yêu cầu trẻ hóa, đảng viên hóa đội ngũ trưởng thôn của huyện Phú Riềng nên ông đã làm đơn xin nghỉ trong sự tiếc nuối, cảm mến của người dân nơi đây.
Hiện với vai trò đại biểu HĐND xã (2016-2021), ông Phương tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chuyển tải kiến nghị, mong muốn của người dân thôn 5 đến các cấp, ngành chức năng. Sự đóng góp công sức, tâm huyết của ông từ năm 2010-2017 đã góp phần quan trọng giúp diện mạo thôn 5 ngày càng khởi sắc; ý Đảng, lòng dân gắn kết hơn. Hơn 8 năm qua, ông Phương không chỉ làm tốt phong trào ở thôn, vai trò người đại biểu HĐND mà uy tín của ông còn được nâng cao khi là một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở Long Bình với mức thu nhập bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Ông Phương xác định, làm trưởng thôn cần uy tín nhưng trưởng thôn là đại biểu HĐND càng phải uy tín hơn. Vì vậy, ông đã không ngừng nỗ lực học tập và làm theo Bác, tự nguyện “vác tù và hàng tổng”, phát huy tinh thần gương mẫu nói đi đôi với làm để người dân tin tưởng, làm theo.
Mùa xuân mới đang về trên muôn nẻo và đây chính là dịp để mọi người nhìn lại thành quả sau 1 năm miệt mài lao động, đánh giá, ghi nhận những tấm lòng không chỉ sống cho bản thân. Suốt cuộc đời của Bác, sống là lo cho nước, cho dân. Đối với những người như già Nhơn, ông Phương đã luôn thực hiện phương châm “nói đi đôi với làm”, chăm lo đời sống người dân... Họ xứng đáng là những điển hình về học tập và làm theo Bác./.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn, ngày 16/02/2018