Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã sáng tạo nhiều cách làm thiết thực, ý nghĩa nhằm tập hợp, thu hút phụ nữ khu vực vùng cao, phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia tổ chức hội. Ðồng thời, mong muốn giúp chị em phát huy nội lực vươn lên thoát đói nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc.
|
Hội viên phụ nữ dân tộc Mường, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan, Ninh Bình)
trao đổi kiến thức về sức khỏe và đời sống |
Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, trên địa bàn huyện, người dân tộc thiểu số chiếm 16,2% số dân, hội viên phụ nữ là người dân tộc Mường có hơn 3.500 người, trong đó hội viên nòng cốt là người dân tộc thiểu số có 492 người. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc của các dân tộc, thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia tổ chức Hội đã được chú trọng, đổi mới nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa dạng, thống nhất, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Chúng tôi đến thôn Bãi Cả, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) vào một buổi chiều đầy nắng. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, các thành viên đội bóng chuyền nữ của thôn cảm thấy phấn khởi khi được tham gia tập luyện. Chị Ðinh Thị Hoa (SN 1972, sống tại thôn Bãi Cả) cho biết: "Các thành viên tham gia đội bóng đều là chị em người dân tộc Mường. Từ khi Hội Phụ nữ xã Cúc Phương thành lập đội bóng, chị em đều cố gắng tranh thủ thời gian để tham gia rèn luyện sức khỏe".
Trò chuyện với chúng tôi về đời sống của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, chị Bùi Thị Ân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Bãi Cả cho biết, thôn có tới 90% số dân là người dân tộc Mường, toàn chi hội có 75 trong số 81 phụ nữ tham gia sinh hoạt, trong đó có 70 hội viên là người dân tộc Mường. Việc tập hợp, thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt hội còn khó khăn do một số chị em đi làm ăn xa, thường xuyên vắng nhà, một số người khác lại không được gia đình ủng hộ. Thấy được những khó khăn của phụ nữ dân tộc thiểu số, năm 2016, Chi hội phụ nữ thôn Bãi Cả phối hợp Chi hội người cao tuổi của thôn thành lập Câu lạc bộ Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, nhằm thực hiện tốt mô hình "Chi hội thu hút 100% phụ nữ dân tộc Mường tham gia sinh hoạt hội".
Hơn 30 năm gắn bó với công tác hội, đứng trước những khó khăn đặt ra, chị Ân đã không ngần ngại đến từng nhà để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó tìm ra những phương thức nhằm đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp văn hóa của địa phương, nhất là những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. "Nét đẹp của người dân tộc Mường được thể hiện qua trang phục váy áo, qua những nghi lễ trong đời sống. Trong các lễ hội và đời sống, không thể thiếu tiếng cồng chiêng", chị Ân chia sẻ. Vì vậy, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã xây dựng kế hoạch sinh hoạt theo từng chủ đề bản sắc văn hóa Mường như: hát giao duyên, hát đối, nhảy sạp, múa quạt hay các trò chơi đánh mảng, đánh cắt, đánh chò, ném còn… thu hút nhiều hội viên, phụ nữ, người già, trẻ em và chồng, con cùng tham gia.
Thông qua các buổi sinh hoạt, các hội viên được tham gia góp ý kiến, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống, giao lưu văn hóa văn nghệ. Ðồng thời những hoạt động thăm hỏi ốm đau, gây quỹ giúp đỡ những hội viên khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế, cho vay không lấy lãi; phối hợp trung tâm học tập cộng đồng thường xuyên mở những lớp tập huấn về kỹ thuật trồng mía, kỹ thuật nuôi hươu sao, kỹ thuật chăm sóc bò… cũng là một trong những điểm nhấn để thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia.
Với phương châm "Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức hội", Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nho Quan không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là ở cơ sở để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chị em. Chị Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội cho biết: Hội Phụ nữ các cấp đã thông qua phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; các hoạt động kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh với chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa… đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của hội viên, chị em phụ nữ./.
Nguồn: nhandan.com.vn,ngày 7/3/2018