Thứ Hai, 27/1/2025
Tăng cường công tác vận động đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên - Nội dung cốt lõi để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

 Ảnh minh họa

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có 1.171.000 người (chiếm 25,75%).  Phần đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là người có đạo. Toàn vùng hiện có 1.599.210 tín đồ (trong đó, Phật giáo khoảng 557.590 tín đồ; Thiên Chúa giáo khoảng 771.249 tín đồ; Tin Lành khoảng 308.683 tín đồ; Cao Đài 21.426 tín đồ). Số tín đồ theo đạo Tin Lành là đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 288.099 người (chiếm 88,93%) so với đồng bào dân tộc toàn vùng(1).

Công tác vận động đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay

Thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, các tỉnh trong vùng đã tích cực triển khai thực hiện các Quyết định 168, 135, 134, 154, 139, 159,... của Thủ tướng Chính phủ, nên nhìn chung tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên cơ bản ổn định, diện đói nghèo giảm đáng kể, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Cùng với công tác phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân các tỉnh trong vùng đã tăng cường công tác vận động quần chúng trong công tác truy quét, bóc gỡ bọn phản động Fulrô lẩn trốn, đưa ra kiểm điểm những người bị lợi dụng… nên tình hình tư tưởng, của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên cơ bản ổn định, một bộ phận đồng bào dân tộc có đạo phấn khởi trước chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, cho phép bình thường hoá hoạt động của đạo Tin Lành, số tín đồ bị địch lợi dụng, qua giáo dục đã thấy được những việc làm sai trái và cam kết sửa chữa. Vì vậy, trong những năm qua, mặc dù các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã nhiều lần kích động một bộ phận quần chúng ở 70 làng, 33 xã thuộc 12 huyện, thành phố của 3 tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, nhằm chống đối chính quyền và vượt biên trái phép sang Campuchia hòng quốc tế hoá “vấn đề người Thượng” ở Tây Nguyên, tạo cớ can thiệp, nhưng do các tỉnh trong vùng làm tốt công tác vận động quần chúng nên đồng bào đã nhận rõ âm mưu thâm độc của địch, không bị mắc mưu chúng, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được ổn định(2).

Các tỉnh trong vùng đã tăng cường công tác vận động đồng bào các dân tộc, thực hiện phương châm: “Tỉnh bám xã - huyện bám buôn, làng - xã bám sát từng hộ dân”. Tỉnh Gia Lai đã có Nghị quyết phân công 47 sở, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh phụ trách xã trọng điểm; phân công 429 cơ quan, phòng, ban của huyện phụ trách làng, đồng thời 98 doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn của tỉnh đã tham gia giúp đỡ các xã yếu kém phát triển kinh tế - xã hội. Các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Kon Tum trong thời điểm xảy ra tình hình phức tạp cũng cử hàng trăm cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ là người Kinh biết tiếng dân tộc có kinh nghiệm tham gia công tác vận động quần chúng, cử đồng chí Phó ban Dân vận Tỉnh uỷ phụ trách, thường xuyên bám sát cơ sở để nắm tình hình, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu xảy ra. Các cấp uỷ đã quan tâm bố trí cán bộ, kiện toàn củng cố hệ thống chính trị, tăng cường công tác dân vận, Mặt trận ở các địa bàn trọng điểm, xung yếu. Các tỉnh đã có sáng kiến đưa một số đối tượng Fulrô đã bị bắt hoặc ra đầu thú được giáo dục, cảm hoá, giác ngộ đi tuyên truyền vận động, tố cáo tội ác và âm mưu lừa gạt của Kso Kơk và tổ chức phản động Fulrô lưu vong; vận động già làng, trưởng bản đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác trước âm mưu và ý đồ thâm độc của các thế lực thù địch. Để giải quyết triệt để những bức xúc của đồng bào, các tỉnh đã tăng cường chỉ đạo việc giải quyết các đơn thư, khiếu nại của đồng bào, nhất là những vấn đề có liên quan đến tôn giáo, dân tộc, đất đai, đền bù, giải toả mặt bằng để xây dựng các khu cụm công nghiệp, hạ tầng phục vụ sản xuất đời sống, tạo đồng thuận trong nhân dân, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí, khắc phục những mặt yếu kém tồn tại kéo dài,... Đồng thời, các tỉnh cũng đã kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước những cán bộ yếu kém phẩm chất đạo đức, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc xử lý công việc với dân, đảm bảo lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, thông qua tiếp xúc với cán bộ, đảng viên. Hệ thống chính trị các cấp trong vùng rất quan tâm đến công tác vận động quần chúng, đặc biệt là việc tiếp tục triển khai Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận; chỉ đạo các địa phương xây dựng và ban hành các qui ước, hương ước tại các thôn buôn với sự tham gia của các già làng để thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, chỉ đạo xây dựng các thôn, buôn văn hoá, cải cách thủ tục hành chính theo hướng một dấu, một cửa, giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Các tỉnh trong vùng đã tổ chức các lớp cho cán bộ các sở, ban, ngành có liên quan, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể học tiếng dân tộc, như: tiếng Giarai, Êđê, Mnông,... nhằm khắc phục dần tình trạng cán bộ công tác ở vùng dân tộc nhưng không biết tiếng dân tộc, đồng thời tích cực vận động nhân dân tham gia sản xuất, ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh trật tự cơ sở, không tin, không nghe, không làm và không tiếp tay cho kẻ xấu, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả âm mưu của các thế lực thù địch tổ chức biểu tình, bạo loạn, vượt biên trái phép sang Campuchia. 

Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trong vùng đã có nhiều cố gắng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở, tập trung chăm lo, giải quyết nhiều nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục, phát động quần chúng, đi đôi với tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá lại chất lượng đoàn viên, hội viên, tổ chức ở cơ sở, xây dựng kế hoạch, củng cố đoàn thể ở những nơi có vấn đề ảnh hưởng đến an ninh trật tự, những nơi Fulrô đang hoạt động để giáo dục quần chúng, qua đó củng cố đoàn thể. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong vùng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đấu tranh, bóc gỡ vô hiệu hoá 353 đối tượng tham gia tổ chức Fulrô, vận động ra đầu thú được 148 đối tượng, giải tán hơn 200 Ban chấp sự với 1.613 chấp sự viên của cái gọi là "Tin Lành Đêga" (trong đó có 5 Ban chấp sự và 3.000 người chịu ảnh hưởng của Tin Lành Đêga), góp phần vào việc ngăn chặn, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch trong và ngoài nước trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua. Các tổ chức chính trị - xã hội trong vùng đã quan tâm đến việc xây dựng lực lượng ở các địa bàn trọng điểm; các nơi “trắng” đoàn, “trắng” hội tại thôn, buôn, khu dân phố.            

Bên cạnh những cố gắng, tiến bộ nêu trên, công tác vận động đồng bào ở các địa phương trong khu vực Tây Nguyên vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như sau:

1. Một số cấp uỷ đảng ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận động quần chúng; chưa coi trọng công tác tuyên truyên, giáo dục đấu tranh với những biểu hiện sai trái, nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục còn chưa phù hợp với từng đối tượng; chưa tập trung giáo dục về truyền thống đoàn kết các dân tộc để nâng cao giác ngộ cho đồng bào; chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục cho đồng bào Kinh và cán bộ lên sinh sống và công tác trên địa bàn Tây Nguyên để khắc phục những thiếu sót, vi phạm chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

2. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở một số địa phương còn hình thức, chưa sâu sát quần chúng trên cơ sở: "Lấy đoàn viên, hội viên làm đối tượng, lấy hộ gia đình, thôn buôn làm địa bàn cơ sở" để vận động đồng bào. Cán bộ làm công tác vận động quần chúng đã được học tiếng dân tộc, nhưng lại chưa nói, chưa hiểu được bao nhiêu, nhiều thành viên trong các tổ, đội công tác vận động quần chúng không biết tiếng dân tộc, nên đã xảy ra trường hợp ở trong dân, ba cùng với dân, nhưng không hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nắm tình hình ở cơ sở không chắc, dẫn đến bị động, bất ngờ, lúng túng trong xử lý công việc.

3. Công tác xây dựng lực lượng người có uy tín chưa có cơ chế quản lý, bồi dưỡng chế độ chính sách một cách phù hợp, nên danh sách người có uy tín ở các địa phương báo cáo xây dựng được hàng trăm người, nhưng khi có tình huống xảy ra lại không nắm được tình hình.

4. Việc quan tâm, theo dõi, làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết đơn thư, khiếu nại nhất là đôn đốc chỉ đạo xử lý vấn đề bức xúc trong đồng bào dân tộc còn chậm, thiếu dứt điểm, một số vụ việc còn để tồn đọng, kiến nghị vượt cấp, việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở hạn chế, tình hình an ninh nông thôn nói chung và trong vùng dân tộc nói riêng còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp,…

5. Một số cấp uỷ, chính quyền còn chủ quan, đơn giản, thiếu chủ động, chưa  tích cực giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc trong đồng bào, tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể còn thiếu đồng bộ, bất cập, có nơi còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi còn bị vi phạm, nhiều nội dung công việc có liên quan đến dân, trước hết trong việc thực hiện một số công trình, dự án dân chưa được biết, chưa được bàn, kiểm tra, giám sát nên một số công trình chất lượng kém, thất thoát, lãng phí,... Vai trò lãnh đạo của cấp uỷ và sự phối hợp của chính quyền còn hạn chế, nhiều đảng viên ở cơ sở thiếu gương mẫu, chưa gắn bó với nhân dân, công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tổ chức sơ, tổng kết mô hình trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo chưa được chú ý đúng mức,…

Một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên

Một là, nhận thức đúng và coi trọng công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong công tác tập hợp nhân dân trên cơ sở dựa vào dân, xây dựng lực lượng già làng, trưởng buôn, làng, chức sắc trong các tôn giáo, người có uy tín trong từng dòng tộc để vận động, cảm hoá, giáo dục số đối tượng lầm lỗi, thực hiện tốt chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước làm cho quần chúng nhận biết được âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.

Hai là, tăng cường sự chỉ đạo phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, giữa trên, dưới, đặc biệt là phối hợp lực lượng ở cơ sở đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng,  phát huy vai trò chủ động tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo hướng: Lấy dân, lấy người tốt, người tích cực để vận động, phân hoá, cô lập, đấu tranh với người chưa tốt, số phần tử cực đoan, tránh áp đặt thô bạo, tạo ra những căng thẳng không cần thiết.

Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, kết hợp chặt chẽ giữa công tác vận động quần chúng với giải quyết tốt các vấn đề về kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, chỉ đạo xử lý những vấn đề bức xúc về đất đai, nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch nông thôn, giáo dục, y tế, việc làm và giải quyết các khiếu kiện của nhân dân, làm tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống.

Bốn là, coi trọng công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến, tránh làm lướt, qua loa, đại khái; quan tâm việc tổng hợp, phân tích thông tin, báo cáo của các địa phương và ý kiến của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, coi đó là nội dung quan trọng trong chỉ đạo, xử lý tình hình ở cơ sở, không để xảy ra các “điểm nóng” ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở từng khu dân cư.

Nguồn: tapchimattran.vn, ngày 21/3/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi